Yên Bái quan tâm người lao động bị tai nạn

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2022 | 7:43:31 AM

YênBái - Tai nạn lao động (TNLĐ) ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống thậm chí tính mạng của người lao động (NLĐ). Nỗi đau TNLĐ sẽ mãi ám ảnh họ đến suốt cuộc đời.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành thăm hỏi chị Phạm Thị Tuyết (thứ 3 phải sang).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành thăm hỏi chị Phạm Thị Tuyết (thứ 3 phải sang).

Chị Phạm Thị Tuyết ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, là giáo viên Trường Tiểu học Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Tháng 11/2021, trên đường đi làm, chị bị tai nạn giao thông. Vết thương quá nặng khiến chị phải bỏ một chân. Tỷ lệ thương tật 65% khiến chị Tuyết mất khả năng lao động, cuộc sống bị xáo trộn, gặp nhiều khó khăn. 

Chị Phạm Thị Tuyết chia sẻ: "Tôi được Ban Giám hiệu nhà trường, các cơ quan, đoàn thể quan tâm thăm hỏi, động viên nên cũng nguôi ngoai phần nào. Vượt qua cú sốc, hiện, tôi đang cố gắng tập luyện đi lại bằng chân giả, ổn định sức khỏe và tinh thần. Ban Giám hiệu nhà trường cũng bố trí công việc phù hợp để tôi sớm quay lại tiếp tục công tác”. 

Cũng không may bị TNLĐ ở tay khi đang làm việc, anh Nguyễn Cát Hùng - công nhân Công ty cổ phần Junna Yên Bái, Cụm Công nghiệp Âu Lâu, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái bị suy giảm sức lao động 41%. 

Anh Hùng cho biết: "Là trụ cột chính trong gia đình, vì vậy, tuy sức khỏe suy giảm nhưng tôi vẫn đi làm. Tại Công ty, tôi được Ban Giám đốc, anh chị em cùng phân xưởng tạo điều kiện hoàn thành công việc. Tôi luôn nhắc nhở mọi người làm việc cùng phải luôn chú ý đến an toàn, không để xảy ra sự việc đáng tiếc”. 

Năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 26 vụ TNLĐ. Các vụ TNLĐ để lại nhiều hệ lụy đối với NLĐ như: suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới tinh thần, mất khả năng lao động trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội; không chỉ người bị TNLĐ mà gia đình họ gặp khó khăn do thu nhập bị giảm sút có thể rơi vào tình trạng đói nghèo. 

Khi xảy ra TNLĐ, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đều có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định cho các nạn nhân. 

Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chế độ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động ưu tiên, tạo điều kiện trong công việc cho người bị TNLĐ khi quay lại làm việc; thăm hỏi thân nhân, gia đình người bị thương do TNLĐ. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã động viên, tặng quà cho các nạn nhân, gia đình người bị TNLĐ; trao hỗ trợ làm nhà "Mái ấm công đoàn” cho công nhân bị TNLĐ mỗi suất trị giá 30 triệu đồng. Sự quan tâm, thăm hỏi kịp thời và giải quyết thỏa đáng các chế độ, thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả khi có TNLĐ xảy ra của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành đối với người bị TNLĐ, giúp họ phần nào yên tâm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Có thể thấy, TNLĐ để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho người NLĐ. Chính vì vậy, để hạn chế TNLĐ, vai trò của công đoàn cơ sở rất quan trọng, trước hết, công đoàn cơ sở cần chủ động tham gia xây dựng các nội quy, quy chế làm việc an toàn; thương lượng để đưa vào thỏa ước lao động tập thể các điều khoản về cải thiện môi trường làm việc, cung cấp trang thiết bị bảo hộ và vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NLĐ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về công tác an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp. 

Mặt khác, là đại diện của NLĐ, tổ chức công đoàn cần phối hợp tốt với doanh nghiệp và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tuyên truyền, vận động NLĐ nâng cao ý thức trong công tác bảo hộ lao động để bảo vệ bản thân khi tham gia sản xuất, lao động... 

Thu Hiền