Hướng đến mục tiêu vì hạnh phúc của người dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2022 | 7:50:20 AM

YênBái - Triển khai Nghị quyết 51 ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã sớm xây dựng Đề án CĐS giai đoạn 2022 - 2025.

Nhân viên Điện lực Nghĩa Lộ hướng dẫn người dân ứng dụng phần mềm thu phí hóa đơn tự động thông qua tài khoản ngân hàng.
Nhân viên Điện lực Nghĩa Lộ hướng dẫn người dân ứng dụng phần mềm thu phí hóa đơn tự động thông qua tài khoản ngân hàng.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Khi triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thị xã, lợi ích lớn nhất đem lại đó là người dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận, giao tiếp gần hơn với chính quyền các cấp thông qua nền tảng số, đô thị thông minh. Việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được chính quyền giải quyết một cách công khai, minh bạch, chính xác và nhanh chóng, giúp người dân, doanh nghiệp không phải kê khai hồ sơ và đi lại nhiều lần. 

Đặc biệt, người dân có thể sử dụng máy tính kết nối mạng Internet để kê khai và gửi hồ sơ TTHC trực tuyến và nhận kết quả tại nhà, không phải đến trực tiếp bộ phận phục vụ hành chính công các cấp. Khi triển khai các nền tảng số, người nông dân sẽ dễ dàng đưa các sản phẩm OCOP, mặt hàng, sản vật đặc trưng của địa phương lên giới thiệu, rao bán trên các sàn thương mại điện tử, từ đó bán được nhiều mặt hàng hơn, thu nhập tăng cao hơn…

Trong phát triển chính quyền số, các TTHC, lịch tiếp công dân của lãnh đạo thị xã, các văn bản chỉ đạo điều hành của thị xã đã được cung cấp đầy đủ trên trang thông tin điện tử thị xã, nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, đã nâng cao tính minh bạch và tiếp cận thông tin của người dân. Đặc biệt là tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 99,9%. 

Ông Hà Văn Toàn, tổ 1, phường Tân An cho biết: Mới đây, gia đình tôi có nhu cầu làm cấp phép xây dựng nhà ở, tôi đã qua Trung tâm Phục vụ hành chính công thị xã và được cán bộ phụ trách lĩnh vực này hướng dẫn đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định và nhận giấy hẹn trả kết quả. Chưa đầy 1 tuần, tôi đã nhận được tin nhắn hẹn trả kết quả và khi đến nhận giấy phép thì nộp lệ phí ngay tại đó. Tôi thấy rất tiện và minh bạch, chủ động được công việc của bản thân và gia đình... Triển khai phát triển kinh tế số - xã hội số, một số doanh nghiệp trên địa bàn thị xã đã triển khai ứng dụng thanh toán điện tử thông qua tài khoản ngân hàng như Công ty cổ phần Cấp nước Nghĩa Lộ, Điện lực Nghĩa Lộ, VNPT Miền Tây. 

Ông Nguyễn Đình Phú - Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ cho biết: Thực hiện chủ đề "Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, Điện lực Nghĩa Lộ bước đầu cơ bản hoàn thành ở 4 lĩnh vực: tài chính kế toán, kỹ thuật, kinh doanh, an toàn. 

Trong đó, Điện lực Nghĩa Lộ đã thực hiện chuyển đổi số 100% hợp đồng mua bán điện, tỷ lệ cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử đạt 100%, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 50%. Mục tiêu thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Điện lực Nghĩa Lộ năm 2022 là trên 60%. 

Để đạt được kết quả đó, Điện lực Nghĩa Lộ đã triển khai phong phú các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt qua các ứng dụng ngân hàng. Ngoài ra, các dịch vụ điện còn có thể thanh toán trực tuyến trên các trang Web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực Miền Bắc https://cskh.npc.com.vn/; Cổng Dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn/. Tính đến 31/5/2022, đã có 35.118 khách hàng sử dụng thanh toán online qua các ứng dụng này, đem lại nhiều tiện lợi cho khách hàng.

Thực hiện CĐS theo Nghị quyết 51, thị xã Nghĩa Lộ đặt mục tiêu 100% TTHC có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa bộ phận phục vụ hành chính công cấp xã, thị xã, Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin "một cửa” điện tử cấp xã, thị xã, tỉnh được xác thực điện tử; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 50%, người dân chỉ phải nhập dữ liệu 1 lần và tối thiểu 99% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC xuống trung bình còn tối đa là 15 phút/1 lần giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ… 

Thu Hạnh