Ý Đảng - lòng dân: Sức mạnh giảm nghèo - Bài 1: Không để ai bị bỏ lại phía sau

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2022 | 7:50:20 AM

YênBái - “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo; tạo “điểm tựa”, khơi mở cánh cửa thoát nghèo để người nghèo vươn lên “không để mình ở lại phía sau”. Ý Đảng hợp lòng dân - công cuộc giảm nghèo thêm bội phần sức mạnh!

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà, động viên người dân bản Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu tích cực lao động, sản xuất, nâng cao đời sống.
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà, động viên người dân bản Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu tích cực lao động, sản xuất, nâng cao đời sống.

Kiên Thànhgiai đoạn 2016 - 2020 là xã đặc biệt khó khăn, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2016, Kiên Thành có 46,75% hộ nghèo - cao nhất của huyện Trấn Yên. Giảm nghèo là nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền xã đặt ra trong quyết tâm chính trị, cũng là để góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn này. 

Đảng ủy xã ra nghị quyết lãnh đạo và xây dựng kế hoạch chi tiết cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chia ra từng giai đoạn cụ thể. Giai đoạn đầu tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh; đẩy mạnh tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động... 

Giai đoạn sau tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm; thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân theo chuỗi giá trị, sau đó xây dựng thành đề án báo cáo cấp trên để có các chính sách hỗ trợ. 

Cùng đó, Đảng bộ chỉ đạo tăng cường tổ chức các hội nghị quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các chủ trương, kế hoạch, quy hoạch, chương trình... để thông tỏ và đồng thuận. Rõ chủ trương, phương hướng; cụ thể lộ trình; trên - dưới đồng lòng. Trên cơ sở đó, các chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương được Đảng ủy, chính quyền xây dựng, ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

Những con số hiện hữu đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020 khẳng định hướng đi đúng của xã: phát triển vùng tre măng Bát độ trên 1.886 ha với trên 800 hộ đang trồng và thâm canh, chiếm 86% tổng số hộ trong toàn xã; vùng trồng quế đạt trên 1.187 ha; cây keo, bồ đề lấy gỗ là trên 3.290 ha kết hợp trồng dược liệu dưới tán rừng 15 ha; thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng với diện tích che phủ rừng năm 2020 đạt 90%. Cùng đó, hơn 350 mô hình chăn nuôi, sản xuất toàn xã được hỗ trợ, giúp người dân tăng thu nhập, đặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo có phương tiện để sản xuất… 

Trên địa bàn xã thành lập được 2 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác để liên kết tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện, toàn xã có 18 cơ sở thu mua và sơ chế măng tre Bát độ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương… 

"Đặc biệt, đối với hộ nghèo, Đảng ủy hàng năm đều chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã, tổ chức điều tra, xác định cụ thể nguyên nhân nghèo đối với từng hộ để có kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, giao cho các tổ chức chính trị - xã hội mỗi năm giúp đỡ từ 5 - 8 hộ nghèo; lồng gắn với các chương trình hỗ trợ khác, huy động các nguồn lực cộng đồng để hỗ trợ; tuyên truyền khơi dậy ý thức thoát nghèo...” - Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Lũy cho hay. 

Công cuộc giảm nghèo trên địa bàn hiệu quả rõ ràng. Đồng Ruộng là thôn người Mông rõ nét phát triển, đổi thay. Trưởng thôn Giàng A Sáu thông tin: "Năm 2016, thôn có 34 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 80%, đến năm 2020 chỉ còn 1 hộ. Người Mông trong thôn có hộ đầu tư xưởng may công nghiệp, lập hợp tác xã, doanh nghiệp. Giờ toàn thôn 50 hộ thì một số hộ có ô tô con, ô tô tải; xe máy trung bình 1,5 xe mỗi hộ rồi… Đồng Ruộng giờ khấm khá đấy!”. 

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn xã Kiên Thành đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 46,75% năm 2016 xuống còn 1,2% năm 2020 (giảm bình quân 9,35%/năm). Từ xã đặc biệt khó khăn, đến tháng 11/2019, Kiên Thành đạt chuẩn NTM và hiện tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Phát huy mạnh mẽ vai trò của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác giảm nghèo là giải pháp đầu tiên phải kể đến trong những giải pháp có tính căn cơ trong công tác giảm nghèo gắn với xây dựng NTM ở huyện Trấn Yên giai đoạn qua. Huyện ủy Trấn Yên đã cụ thể hóa công tác giảm nghèo vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020; ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM để huy động nguồn lực đầu tư phát triển, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững. 


Người dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên phát triển kinh tế hộ với nghề làm miến đao. 

"Cấp ủy, chính quyền huyện lãnh đạo, chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng tập thể, cá nhân trong công tác giảm nghèo, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm hằng năm tới từng cấp ủy các xã, thị trấn. Đồng thời giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các xã, thị trấn theo dõi và thường xuyên chỉ đạo công tác giảm nghèo tại cơ sở, coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị và của từng cá nhân…” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trần Nhật Tân cho biết. 

Bám sát và vận dụng linh hoạt sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền huyện Trấn Yên đã thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn. Cuối năm 2015,  toàn huyện Trấn Yên có 6.010 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 25,48%, Giai đoạn 2016 - 2020, Trấn Yên đã giảm 5.520 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân là 4,69%/năm. Năm 2021 tiếp tục giảm 215 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 1,16%. 

Trạm Tấu - một trong những huyện nghèo của cả nước. Thời điểm năm 2016, hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện tới 80%. Cũng xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của huyện, kế thừa những kết quả đã đạt được trong những giai đoạn trước, ngay từ những năm đầu của giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu đã chủ động bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo khai thác các tiềm năng, lợi thế, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, đưa ra các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. 

Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách, các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm y tế… 

Lấy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là khâu then chốt trong phát triển kinh tế, trọng tâm là phát huy những cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản của huyện, khai hoang ruộng bậc thang, tuyên truyền, vận động các hộ có nhiều đất san sẻ cho các hộ thiếu đất để sản xuất.

Trong phát triển văn hóa - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới, cũng là những nguyên nhân kéo theo đói nghèo… 

Đồng thời, phát huy tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… 

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện luôn giảm trên 7,8%; thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt, đạt trên 19 triệu đồng năm 2020 - tăng gấp 2 lần so với năm 2016; đã có trên 200 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn trên 29%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn trên 11,8%.

Những năm qua, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách về công tác giảm nghèo bền vững của Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái đã cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. 

Trong đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm 3,5% trở lên (2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 6%). Hàng năm, Tỉnh ủy tiếp tục cụ thể hóa, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và phân công trách nhiệm thực hiện trong Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. 

Từ năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hằng năm theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo, giúp đỡ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn… Tất cả vì mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau”!

Thu Hạnh
(Bài 2: Không để mình ở lại phía sau)