Người già, trẻ em và người mắc tay chân miệng nhập viện tăng do nắng nóng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 2:58:11 PM

Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng vừa qua, đặc biệt tại Hà Nội với nhiệt độ cao nhất phổ biến trên 39 độ C, có nơi lên 39,6 độ C, số người già và trẻ em nhập viện gia tăng.

Khoa Cấp cứu nội (Bệnh viện Thanh Nhàn) luôn trong tình trạng đông kín bệnh nhân khi thời tiết thay đổi thất thường.
Khoa Cấp cứu nội (Bệnh viện Thanh Nhàn) luôn trong tình trạng đông kín bệnh nhân khi thời tiết thay đổi thất thường.

Đáng chú ý, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận trên 700 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng từ ngày 13 - 19/6, thành phố ghi nhận 135 ca mắc, rải rác ở khắp các quận, huyện như: Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh, Ba Vì. Hầu hết bệnh nhân ở thể nhẹ, chưa có trường hợp tử vong.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện tại Hà Nội, do ảnh hưởng của nắng nóng, số người già và trẻ em nhập viện gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Thanh Nhàn, gần 1 tháng qua, số lượng bệnh nhi vào điều trị tăng khoảng 150 - 200% so với 2 tháng trước. Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết…

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 100 bệnh nhi đến khám, chủ yếu về đường hô hấp do thời tiết nắng nóng, nằm điều hòa quá lâu, không khí khô khiến niêm mạc trẻ bị tổn thương, tạo cơ hội cho vi rút xâm nhập. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn trong hơn 1 tháng qua, số trẻ nhập viện tăng 150 - 200%, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.

Không chỉ trẻ em mà người cao tuổi nhập viện cũng tăng. Nắng nóng kéo dài khiến nhiều người bị mất nước, rối loạn điện giải. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều, việc vệ sinh không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng dễ khiến người cao tuổi bị huyết áp tăng cao, gây tai biến mạch máu não, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trời nắng người dân dùng điều hòa liên tục, thậm chí nhiều người đi nắng về mệt mỏi vội vàng bật điều hòa và đi tắm ngay, gây ra đột quỵ về sức khỏe. Để bảo vệ bản thân, trước khi ra ngoài, mọi người cần tắt điều hòa để cơ thể thích nghi được với nhiệt độ, khi đi nắng về đừng tắm vội mà hãy để cơ thể được nghỉ ngơi, uống bù nước cho nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Bên cạnh đó, người cao tuổi cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không nên căng thẳng, bố trí công việc phù hợp, hạn chế đi ra đường khi trời nắng nóng.

Các bác sĩ khuyến cáo, mùa hè, nhiệt độ môi trường tăng cao, người dân cần để nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, mở cửa nhưng bảo đảm không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu virus trong môi trường; phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, mắc màn khi ngủ, dọn sạch các vũng nước đọng trong nhà...

Đối với các bệnh chưa có vaccine phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, người dân chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, thay tã... Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh; thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng như thủy đậu.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh. Mọi người cần ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả tươi để tăng sức đề kháng. Riêng với trẻ, chế độ ăn cần đa dạng, tăng cường rau quả giàu vitamin C, A để hỗ trợ hệ miễn dịch... Để phòng bệnh đường tiêu hóa, mọi người không ăn rau sống, thức ăn ôi thiu, không uống nước lã; sử dụng lồng bàn đậy đồ ăn và diệt ruồi nhặng; rửa tay sạch trước khi ăn và chế biến thực phẩm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, chén bát đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng.

Trẻ mắc bệnh cần cách ly tối thiểu 10 ngày để đảm bảo không lây nhiễm, sau đó có thể đi học trở lại. Thời gian này, cha mẹ cần theo dõi sức khỏe trẻ kỹ lưỡng. Nếu trẻ sốt cao trên hai ngày hoặc sốt trên 39 độ, giật mình (dù rất khẽ) cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

(Theo Tin tức)