Xử lý rác thải sinh hoạt - chuyện ở Cát Thịnh

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/6/2022 | 7:36:17 AM

YênBái - Câu chuyện xử lý rác thải sinh hoạt luôn đặt ra đối với tất các địa phương cơ sở, nhưng với xã Cát Thịnh (Văn Chấn) lại là chuyện không đơn giản. Một xã có hơn chục thôn, việc xử lý rác lại nan giải ở “nhõn” thôn trung tâm xã: thôn Ngã Ba - thôn được coi là thị tứ của khu vực này.

Người dân vô tư xả rác sinh hoạt xuống lòng suối Phà.
Người dân vô tư xả rác sinh hoạt xuống lòng suối Phà.

Những điều trông thấy

Cái diện mạo được coi là thị tứ nơi trụ sở xã Cát Thịnh đứng chân cùng khoảng 170 hộ dân nằm dọc mặt đường quốc lộ 32 khá khang trang. Đây là chỗ có các điểm dừng nghỉ với nhiều hàng quán, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ khách qua đường. Vì thế, lượng rác thải sinh hoạt từ các hộ dân hằng ngày đưa ra môi trường cũng không nhỏ. 

Điều hiển nhiên là người dân ở mặt đường không thể đưa rác ra đường. Vì không có ai thực hiện hoạt động thu gom; đất vườn cũng chẳng có để chôn lấp, hoặc xây lò tiêu hủy như các hộ dân ở vùng thuần nông nên cách duy nhất là túi lớn, túi nhỏ, bà con ta chẳng ai bảo ai, lẳng lặng thả xuống dòng suối Phà trong mát phía sau dãy phố mặt đường. 

Đoạn suối này có 2 cây cầu, đứng trên cầu treo thả xuống cũng dễ, hoặc đưa rác xuống suối từ cầu sắt cũng thuận. Chắc ai nấy đều thấy "không phải lắm” khi thả rác vậy nhưng cực chẳng còn cách nào, họ cứ mặc nhiên thả như lẽ thường tình. Ngạc nhiên hơn, lại có một người đàn ông trung tuổi dùng xe đẩy ra giữa cầu, thả từng túi rác xuống dòng chảy. 

Ông Hoàng Hữu Thu - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngã Ba chia sẻ: "Chúng tôi có 254 hộ dân, ở mặt đường có khoảng 170 hộ. Hộ có ý thức không sao, nhưng có hộ lại thiếu ý thức mang rác đi đổ trộm xuống suối. Vận động, nhắc nhở mãi rồi nhưng xử lý rất khó khăn”. 

Thế nên, cứ nhìn cái ụ rác ngày một đầy lên ở đầu cầu sắt lại thương cho dòng suối! Thỉnh thoảng được trận mưa to, kéo dài nước từ đầu nguồn các thôn Hùng Thịnh, Pín Pé, Khe Đác, Khe Kẹn, Văn Hưng đổ về, giật phăng đám rác hòa với dòng nước suối Lao. Từ đó, rác thải các loại trôi đi hay mắc lại, tắc nghẽn đâu đó thì chắc hẳn chẳng ai quan tâm.


Những đống rác ở chân cầu Phà cứ dần đầy lên chờ lũ về cuốn đi.  

Và một "dự án tầm cỡ” đang khó triển khai

Gọi là "dự án” nghe thì to, thực ra đó chỉ là cái phương án xử lý rác tạm thời trên địa bàn thôn Ngã Ba mà UBND xã Cát Thịnh dự kiến thực hiện. Ở các thôn không ở mặt đường, đất rộng người thưa việc xử lý rác cơ bản được bà con thực hiện khá tốt bằng cách mỗi nhà, hoặc 2 - 3 nhà làm một nơi thiêu hủy rác vô cơ…; rác hữu cơ thì chôn lấp hoặc ủ hoai mục. Còn với thôn mặt phố Ngã Ba, sẽ vận động phân loại rác từ mỗi gia đình. 

Theo phương án, ngoài rác có thể thu gom tái chế, sẽ có thùng màu xanh cho rác hữu cơ; rác thải vô cơ như bao bì, nhựa xốp, túi nilon đựng thùng màu vàng mang đến lò đốt; thùng nâu đựng mảnh vỡ sành sứ, thủy tinh và các loại không thể phân hủy, không đốt cháy thì mang chôn lấp ở khu vực riêng. 

Xã dự kiến tổ chức 10 cụm dân cư với 10 điểm bố trí thùng phân loại để bà con tập trung rác. Có lẽ phương án này ra đời khi ngay tại Trụ sở UBND xã Cát Thịnh đã xây một lò đốt rác "mini” thực hiện việc phân loại để xử lý rác thải từ các hoạt động của cơ quan công quyền. 

Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: "Cái khó nhất là địa điểm tập trung xử lý rác thải thì chúng tôi đã tìm được, đó là khu đất ở chân đồi của Lâm trường Ngòi Lao. Đây là địa điểm xa khu dân cư, đường vận chuyển vào không quá xa, hướng gió thường xuyên thổi vào trong đồi rừng tránh ô nhiễm không khí; diện tích cũng phù hợp đủ để xây lò và hố tập kết rác hữu cơ”.

Theo ông Quyết, xã sẽ thực hiện theo hướng xã hội hóa để xây một lò đốt rộng khoảng 5 m2 và mua sắm thùng rác dự kiến khoảng 50 triệu đồng; đầu tư một xe chở rác khoảng 60 triệu đồng. Việc tuyên truyền vận động các hộ tham gia phương án này đã được triển khai, cách thức ủng hộ kinh phí hoặc đóng góp hàng tháng duy trì hoạt động đã được dự kiến. 

Cùng đó, thôn sẽ thành lập một tổ thu gom với các thành viên là người dân trong thôn thay nhau vận chuyển và thiêu hủy rác. Theo tính toán, mỗi ngày khu vực này thu gom khoảng 3 - 5 tạ rác các loại, nếu các hộ thực hiện tốt việc phân loại rác thì chỉ cần 2 người vận chuyển, tiêu hủy trong buổi sáng là xong; việc thu gom cũng có thể mở rộng sang tổ dân cư của thị trấn Trần Phú để tránh việc người dân thả rác xuống dòng Ngòi Lao. Chi bộ thôn với 60 đảng viên đều thống nhất cao với chủ trương này, tham khảo ý kiến người dân cơ bản đồng thuận với phương án để thôn mình thực sự sáng, xanh, sạch, đẹp.

Lời kết

Một "dự án” với kinh phí chưa đầy 150 triệu đồng, nhưng trong đó là quyết tâm cao của chính quyền cơ sở và sự đồng thuận cao của người dân để hướng tới một môi trường sống trong lành, giữ được mỹ quan và hướng tới mục tiêu chung là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. 

Tuy nhiên, "dự án” đang gặp trở ngại do phía Lâm trường Ngòi Lao chưa đồng ý để xã đặt nơi tiêu hủy ở chân đồi rừng của đơn vị bởi lý do riêng. Đồng thời, một dự án về xử lý rác thải với quy mô lớn đặt tại xã Chấn Thịnh đang manh nha hình thành có thể buộc "dự án” của xã phải tạm ngừng. 

Và như vậy, câu chuyện thả rác xuống suối cho tiện sẽ còn tiếp tục diễn ra ở khu vực này. Bài toán xử lý rác thải sinh hoạt ở thôn trung tâm xã rồi có lẽ chưa có lời giải trong một vài năm tới.

Quang Tuấn