Thành phố Yên Bái quảng bá và xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/7/2022 | 7:35:03 AM

YênBái - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, thành phố Yên Bái có 10 sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 9 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Minh Bảo, thành phố Yên Bái hiện có 3 sản phẩm OCOP chính: mật ong tự nhiên; nấm; chè Bát Tiên. 

Ông Bùi Việt Tiến - Giám đốc HTX cho biết: "Nếu như trước đây, sản phẩm của HTX chủ yếu bán tại thị trường trong tỉnh thì nay, nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP, 3 mặt hàng của chúng tôi đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước".  

"Muốn nhiều người biết đến và chọn mua sản phẩm của mình thì phải tăng cường quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức từ trực tiếp đến trực tuyến. HTX đã xây dựng cửa hàng bày bán trên 70 loại sản phẩm, mỗi ngày, bán ra khoảng 10 triệu đồng tiền hàng”, ông Tiến cho biết.

Cũng xác định được giá trị sản phẩm khi đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX Miến đao Giới Phiên, xã Giới Phiên đã đăng ký tham gia Chương trình này. Kết quả, đến năm 2021, HTX đã có sản phẩm miến đao được chứng nhận đạt OCOP 4 sao. Hiện nay, HTX đang xuất bán sản phẩm ra thị trường với giá bình quân từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. 

Bà Phạm Thị Thu Hà - thành viên HTX Miến đao Giới Phiên chia sẻ: "Để sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP đòi hỏi phải qua rất nhiều khâu, từ việc tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng… Việc được chứng nhận OCOP 4 sao đã giúp cho thị trường của HTX ngày càng mở rộng. Hiện nay, riêng với sản phẩm OCOP miến đao Giới Phiên, bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán được khoảng 10 tấn sản phẩm, cao gấp 2 lần so với trước đây”. 

Thực hiện Chương trình OCOP, hàng năm, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đoàn thể, UBND các phường, xã trên địa bàn. Đồng thời, thành phố xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo, thực hiện các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. 

Từ năm 2019 đến nay, thành phố Yên Bái đã tích cực phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan và UBND các xã, phường triển khai hỗ trợ cho các đơn vị chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. 

Giai đoạn 2019-2021, thành phố đã triển khai cho 3 đơn vị chủ thể sản phẩm OCOP (HTX Miến đao Giới Phiên, HTX Nông nghiệp Minh Bảo, Công ty TNHH TN Yên Bái) tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn và 3 đợt tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. 

Cùng với đó, thành phố cũng mở 3 điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của thành phố và của các địa phương khác trong cả nước. 

Doanh thu các sản phẩm năm 2021 đều tăng; cụ thể, sản phẩm miến đao Giới Phiên của HTX Miến đao Giới Phiên đạt 6 tỷ đồng/năm; sản phẩm rau cải ngọt Tuy Lộc của HTX Rau an toàn Tuy Lộc đạt 225 triệu đồng/năm; sản phẩm dưa chuột Văn Phú của HTX Dịch vụ nông nghiệp và Sản xuất rau an toàn xã Văn Phú đạt 220 triệu đồng/năm; sản phẩm dưa lê Âu Lâu của HTX Sản xuất rau an toàn Âu Lâu đạt 150 triệu đồng/năm; sản phẩm mật ong tự nhiên của HTX Nông nghiệp Minh Bảo đạt 1,5 tỷ đồng/năm... 

Tuy ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng cơ bản các đơn vị chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Một số đơn vị đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với thực tế như tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, mở cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.

Sau khi tham gia Chương trình OCOP, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm đã được chứng nhận tăng lên từ 20 - 50%. Chương trình OCOP bước đầu đã góp phần nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo thêm niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng sản phẩm; khuyến khích được các doanh nghiệp, HTX, chủ thể đầu tư vào nông nghiệp; trong đó, HTX tham gia chiếm 87,8%... 

Tuy nhiên, một số đơn vị chủ thể của sản phẩm chưa hiểu rõ quy trình, thủ tục nên còn lúng túng và chưa chủ động trong việc hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo yêu cầu; sản phẩm OCOP của thành phố không mang tính đặc trưng của vùng; nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho chương trình từ trung ương đến tỉnh chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến... 

Quang Thiều