Người nặng lòng với nỗi đau da cam

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/7/2022 | 12:51:57 PM

YênBái - Ở Văn Chấn, không ít người biết và thầm khâm phục tinh thần hy sinh vì đồng chí đồng đội của ông Nguyễn Minh Hoàng - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin Văn Chấn.

Ở tuổi 70, ông Nguyễn Minh Hoàng vẫn trăn trở tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu cho hoạt động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Văn Chấn.
Ở tuổi 70, ông Nguyễn Minh Hoàng vẫn trăn trở tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu cho hoạt động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Văn Chấn.

Với những cống hiến thầm lặng của mình, ông Hoàng đã góp phần tích cực trong việc tập hợp, đoàn kết xây dựng Hội Nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, giúp nhiều đồng chí, đồng đội vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Minh Hoàng vốn là chiến sĩ bộ đội đặc công. Những năm 1970, ông tham gia chiến trường miền Nam, sau tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Với tinh thần chiến đấu anh dũng, ông đã được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến của nước bạn Lào. Bản thân ông bị nhiễm chất độc da cam và mức thương tật hạng 4/4. 

Năm 1990, sức khỏe yếu, ông được giải ngũ trở về địa phương (thôn Tiên Đồng, xã Nghĩa Tâm). Được cấp ủy và nhân dân tín nhiệm, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tiên Đồng, rồi Phó Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Tâm. 

Là người cán bộ mẫn cán, ông Hoàng đã làm tốt việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội. Năm 2010, ông được Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí và tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tiên Đồng. 

Cùng thời gian này, Nhà nước có chủ trương thành lập tổ chức Hội Nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Dù tuổi đã cao, song ông Nguyễn Minh Hoàng nhận thấy đây là cơ hội để người nhiễm chất độc da cam ở Văn Chấn góp tiếng nói đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải bồi thường cho những tội ác gây ra ở Việt Nam. 

Quyết tâm thực hiện trăn trở bấy lâu, ông Hoàng đã cùng đồng đội đi khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện lập danh sách, hướng dẫn các nạn nhân lập hồ sơ, tìm kiếm, bổ sung hồ sơ để vào Hội Nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. 

Tâm sức của ông đã tập hợp được trên 150 thành viên, góp phần thành lập nên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Văn Chấn vào đầu năm 2017 và ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. 

Từ đây, hầu hết những người là nạn nhân chất độc da cam ở Văn Chấn đã được tập hợp, sinh hoạt thường xuyên và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Đảng và Nhà nước. 

Bà Vũ Thị Toan - nạn nhân chất độc da cam ở xã Đại Lịch chia sẻ: Bản thân tôi là thanh niên xung phong, sau khi trở về địa phương sức khỏe suy yếu nhưng chưa được hưởng chính sách gì nên cuộc sống rất khó khăn. Được bác Hoàng và chính quyền xã tận tình động viên, hỗ trợ tìm kiếm giấy tờ, hoàn thiện hồ sơ, tôi đã được tham gia vào Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Văn Chấn. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền xã Đại Lịch, đến nay, tôi đã có cuộc sống khá ổn định...

Hơn 5 năm đi vào hoạt động, hiện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Văn Chấn có trên 137 thành viên, trong đó có 87 thành viên trực tiếp tham gia kháng chiến tại các chiến trường, còn lại là con em, thân nhân của họ. 

Những nỗ lực của ông Hoàng đã góp phần giúp Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, giúp hàng trăm hộ gia đình thương, bệnh binh vơi bớt khó khăn. Với những nỗ lực cống hiến thầm lặng của mình, năm 2017, ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. 

Ở tuổi 70, sức khỏe không còn như trước, ông Nguyễn Minh Hoàng thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Văn Chấn, nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến sức lực và tâm huyết của mình cho hoạt động của Hội. 

Ông Hoàng tâm sự: Nỗi đau da cam quả thực quá lớn, di chứng để lại qua nhiều thế hệ. Hiện ở Văn Chấn vẫn còn những trường hợp bị di chứng đến thế hệ thứ 3 mà chưa được hưởng trợ cấp thường xuyên. Tôi mong rằng, Nhà nước xem xét, có cơ chế, chính sách quan tâm hơn nữa đến nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhất là các thế hệ sau đang bị ảnh hưởng bởi di chứng da cam”. 

Được biết, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, ông Nguyễn Minh Hoàng được chọn là đại biểu duy nhất của huyện Văn Chấn đi dự "Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và gặp gỡ đại biểu, người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022” tổ chức tại Hà Nội trong tháng 7 này.

Hồng Hải