9X đưa công nghệ 4.0 lên nương chè Kiến Thuận - Bài 1: “Bước ngoặt” chuyển đổi hợp tác xã

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2022 | 7:40:37 AM

YênBái - Nhờ không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công nghệ, đến nay, với tấm thẻ thông hành mang đầy đủ tiêu chuẩn của: Rainforest Alliance; ISO 22000: 2018; FDA; HACCP…, sản phẩm chè của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (viết tắt là HTX Kiến Thuận), xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã có mặt và chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Ả rập Xê út, Uzbekistan, Unilever, Nga, Ukraine, Indonesia, Belarus, Pakistan…

Giám đốc Đỗ Văn Lừng (bên trái) giới thiệu về Nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu của HTX.
Giám đốc Đỗ Văn Lừng (bên trái) giới thiệu về Nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu của HTX.

Những năm 2018 trở về trước, nhắc đến vùng chè và người làm chè Văn Chấn phải nói đến Giám đốc Đỗ Văn Lừng của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, xã Bình Thuận - người con quê lúa Thái Bình theo gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Bình Thuận từ những năm 1960. 

Thấy đất đai Văn Chấn màu mỡ, trù phú, lại là thủ phủ của cây chè, năm 2004, ông đã đứng ra thành lập HTX mang tên ghép của quê hương Kiến Xương (Thái Bình) và Bình Thuận (Văn Chấn - Yên Bái) với chưa đầy chục thành viên và vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 800 triệu đồng. 

Làm ăn kinh tế ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, giá chè bấp bênh lên, xuống theo thị trường chính là những khó khăn HTX gặp phải. Hơn thế, đầu ra cho sản phẩm chè là mối lo lớn nhất khi nguồn cung luôn lớn hơn cầu, nhất là khi cây chè Yên Bái rơi vào thời điểm thoái trào những năm 2010 - 2017, diện tích giảm từ 11.899 ha xuống chỉ còn 8.510 ha. 

Nguyên nhân chính theo ông Lừng khi ấy là do việc xây dựng ồ ạt các nhà máy chè và các nông hộ tham gia chế biến chè bằng các thùng chè quay tay, dẫn tới sự mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến, cộng thêm mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người trồng chè gần như bằng không. 

Đó là chưa kể đến hơn 80% đơn vị chế biến chè không có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu ổn định, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu, ảnh hưởng lớn tới uy tín khách hàng. 

Vì thế, trước năm 2000, không ít gia đình ở Văn Chấn phải đành lòng phá bỏ đi những nương chè đã gắn bó lâu đời để thay thế bằng những loại cây trồng khác. Mỗi người, mỗi nhà máy, HTX một hướng đi mong thoát khỏi bế tắc, nhưng ông Lừng và Kiến Thuận lại khác. 

Với kinh nghiệm kinh doanh chè lâu năm, ông đã mạnh dạn chọn một hướng đi riêng, tạo chỗ đứng vững chắc cho cây chè trên thương trường đầy sôi động. Đó là việc đi tiên phong trong thực hiện liên kết chuỗi, tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, hộ liên kết, sau đó chế biến và đưa ra thị trường chè thương phẩm. 

Bước ngoặt chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới ấy đã đưa Kiến Thuận chuyển biến mạnh từ "lượng” sang "chất”. Số thành viên giảm từ 60 hộ xuống 54 hộ, tổng sản phẩm từ 1.500 tấn giảm còn 800 - 900 tấn chè thành phẩm. Theo đó, doanh thu của HTX giảm từ 30 tỷ đồng xuống 21 tỷ đồng. 

Tuy tất cả các con số đều đi xuống nhưng lại là tín hiệu vui của Kiến Thuận. Bởi, thay vì chạy theo số lượng, HTX đã tập trung đầu tư vào nâng cao chất lượng, uy tín, giá thành sản phẩm và thu nhập của người lao động. 

Chị Hoàng Thị Thanh, ở thôn 12 Kiến Diện - người gắn bó với HTX từ những ngày đầu chia sẻ: "Từ khi thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị với sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX được các thành viên và người trồng chè chúng tôi rất ủng hộ”. 


Người lao động của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận trong dây chuyền sản xuất chế biến chè. 

Thành công mang lại trong thực hiện sản xuất liên kết chuỗi không những giúp Kiến Thuận tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ tới các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp của tỉnh mà còn giúp người dân Bình Thuận nói riêng, huyện Văn Chấn nói chung ngày càng gắn bó với cây chè hơn. 

Việc chuyển dịch từ lượng sang chất từng bước giúp nâng cao thu nhập của người lao động và ổn định thị trường. 

Với chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX Kiến Thuận không chỉ khẳng định chỗ đứng tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu thành công đến nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới và trong khu vực.

Từ năm 2017, HTX đã xuất thành công hàng trăm tấn chè đen sang hai thị trường Nga và Hoa Kỳ, nộp ngân sách Nhà nước hơn 800 triệu đồng. 

Để bắt kịp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng 2 nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu, 1 máy tách cẫng chè kỹ thuật số. 

Đặc biệt, năm 2016 được sự tư vấn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho vay vốn của Liên minh HTX tỉnh, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam; HTX Kiến Thuận đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt máy tách màu ISORT 4GT sản xuất tại Hàn Quốc với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, nâng công suất hoạt động của HTX từ 500 - 700 kg thành phẩm/giờ. 

Mặc dù tình hình trong nước và thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, cộng thêm cước phí tàu biển, kho bãi, phân bón, than, xăng dầu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, giao thông liên xã đang được nâng cấp, sửa chữa ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển, thu mua nguyên liệu.

Song, 3 năm qua, thu nhập bình quân của thành viên HTX Kiến Thuận vẫn đạt mức 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 60% so với thời điểm chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 70 - 100 lao động địa phương. 

Mấu chốt của thành công này khởi nguồn từ tư duy 4.0 mà cậu con trai thế hệ 9X của Giám đốc Lừng - Thạc sĩ kinh tế quốc tế Đỗ Tuấn Lương đã mạnh dạn tiên phong. Đó thực sự là con người của khoa học và công nghệ mà HTX Kiến Thuận có được trong giai đoạn tưởng chừng khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19. 

Nói có được là bởi Đỗ Tuấn Lương sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế ở Úc về có rất nhiều cơ hội, lời mời cộng tác làm việc tại Hà Nội với mức thu nhập cao. Song, cậu đã chọn quê hương với những đồi chè xanh ngắt, những người nông dân mà theo cậu, "họ phải được hưởng thành quả xứng đáng từ lao động”, cùng tâm huyết bao năm của bố để khởi nghiệp và kiến tạo bằng tư duy logic, tiến bộ, quyết đoán của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm với nền tảng công nghệ đã được bồi đắp bằng cả lý thuyết lẫn thực tế. 

Khi được hỏi về kết quả sản xuất, kinh doanh của HTX hiện nay, Giám đốc Đỗ Văn Lừng khẳng định: "Nhờ đầu tư áp dụng công nghệ 4.0 trong quản trị điều hành mà HTX đã giảm được nhân công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nếu như trước đây, 1 ca sản xuất phải cần tới 15 công nhân thì nay 2 ca cũng chỉ cần 15 công nhân, công suất máy móc cũng tăng gấp đôi từ 20 - 40 tấn chè búp tươi/ngày. Theo đó, doanh thu của HTX đã tăng từ 10 tỷ đồng lên gần 30 tỷ đồng/năm”. 

Được biết, giữa năm 2019 đến nay, Giám đốc Đỗ Văn Lừng gần như đã giao phó toàn bộ quyền quản lý HTX Kiến Thuận cho Phó Giám đốc Đỗ Tuấn Lương. Đặc biệt, từ năm 2021 sau khi chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng tại Chi bộ Đát Tờ, ông Lừng lại càng yên tâm và tin tưởng hơn khi thấy cậu con trai khôi ngô, tuấn tú của gia đình thật sự đã trưởng thành. 

Quả thực, 9X hôm nay đúng là thế hệ của khoa học công nghệ hiện đại. Đỗ Tuấn Lương giờ không còn là cậu bé ngày nào mà đã trở thành cánh tay đắc lực của ông Lừng và HTX Kiến Thuận. Sự trưởng thành ấy được bắt nguồn từ suy nghĩ vì quê hương, vì những người lao động nghèo, cho tới sự tự tin trong cải tổ nhân sự, cải tiến trang thiết bị máy móc, khoa học, nhạy bén trong đánh giá thị trường của ông chủ trẻ 9X. 

Đặc biệt, đó còn là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa bằng được công nghệ 4.0 vào nương chè quê hương, làm thay đổi tư duy từ ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị tới các thành viên HTX, công nhân lao động, tới người trồng chè và cây chè Văn Chấn.

Thanh Hương
(Bài 2: "Cuộc chiến” tư duy của hai thế hệ)