Giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa vẫn “cố thủ”

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2022 | 7:40:57 AM

Những tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu liên tục tăng khiến hàng loạt mặt hàng cũng tăng cao. Thế nhưng, gần đây giá xăng đã giảm nhiều lần và giảm khá sâu; tuy nhiên, giá các loại hàng hóa thiết yếu từng tăng theo giá xăng nay vẫn ''án binh bất động'', khiến người tiêu dùng vẫn loay hoay trong vòng quay của cơn “bão giá”.

Xăng dầu giảm giá nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn ở mức cao.
Xăng dầu giảm giá nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn ở mức cao.

Chiều ngày 1/8, giá xăng dầu trong nước đã giảm lần thứ 4 liên tiếp từ khi xăng dầu lên đỉnh ở mức 33.000 đồng/lít. Như vậy, hiện nay giá xăng dầu đã giảm khoảng 6.500 đồng/ lít. Giá xăng dầu giảm sâu đã giúp nhiều người tiêu dùng yên tâm hơn và giảm áp lực chi phí đi lại. 

Vừa mua xăng tại cây xăng km 2, phường Yên Ninh, anh Lê Ngọc Khánh chia sẻ: "Tôi đi làm khá xa nhà và một ngày cả đi và về gần 20 km, trong khi giá xăng giảm thế này tôi rất vui và mong muốn giảm nữa vì hiện nay vẫn ở mức cao so với thu nhập của người dân”. 

Xăng dầu giảm giá sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN); đồng thời, góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển. Qua đó, góp phần làm giảm giá thành các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang leo thang từng ngày. 

Tuy nhiên, trái với mong đợi của người tiêu dùng, đó là khi giá xăng đã giảm nhưng giá hàng hóa vẫn ''cố thủ'' ở mức cao. Theo khảo sát tại một số siêu thị và chợ trung tâm trên địa bàn thành phố Yên Bái, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn ở mức cao hơn thời điểm xăng dầu chưa giảm giá. 

Cụ thể, thịt bò từ 230.000 - 260.000 đồng/kg; thịt gà ta làm sẵn khoảng 160.000 đồng/kg; thịt lợn khoảng 130.000 - 180.000 đồng/kg (tùy loại). Đối với mặt hàng rau củ, nhiều tiểu thương cho biết giá vẫn đang cao, nhất là các loại rau gia vị như: rau thì là 120.000 đồng/kg, rau mùi 100.000 đồng/kg, hành lá 70.000 đồng/kg; cà chua là 30.000 đồng/ kg…
 
Thời gian qua, giá các loại thực phẩm tăng cao khiến nhiều tiểu thương bán hàng tại chợ dân sinh cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu được cho là giá tại đầu nguồn vẫn còn cao nên họ buộc phải giữ giá, không thể giảm theo giá xăng. 

Chị Nguyễn Thị Hương - tiểu thương tại chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: "Mặc dù giá xăng đã giảm nhưng hàng chúng tôi nhập vào không giảm và có loại còn tăng nên chúng tôi không thể bán giảm giá  được”. 

Theo các tiểu thương, xăng dầu giảm giá nhưng nhiều mặt hàng vẫn chưa điều chỉnh giá là do vẫn phải nhập hàng ở mức cao. Bên cạnh đó, nhiều chủ trang trại lo lắng mức giảm của xăng dầu không bền vững gây khó khăn cho DN trong việc tính toán giảm giá thành sản phẩm, ảnh hưởng tới nguồn thu, chưa kể các chi phí sản xuất, nuôi trồng hiện nay đều tăng, trong khi chi phí xăng dầu chỉ chiếm một phần nhỏ. Do vậy, nhiều hộ kinh doanh, DN cần thời gian để tính toán việc điều chỉnh cho giá hạ xuống. Tuy nhiên, điều này khiến người tiêu dùng là người tiếp tục chịu thiệt khi phải loay hoay trong cơn bão giá. 

Chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Mình là nhân viên thu tiền mạng Internet nên phải đi suốt ngày, giá xăng giảm thì phấn khởi lắm. Tuy nhiên, hiện nay, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chưa hề giảm, có mặt hàng còn tăng nên chi tiêu cho sinh hoạt vẫn phải dè dặt, tính toán”.

Trước thực trạng này, ngày 1/8 Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Ngành công thương tỉnh cần theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
 
Hồng Duyên