Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn dự Hội nghị Thủ tướng với các doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2022 | 2:23:31 PM

YênBái - Sáng 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững".

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Cùng dự và điều hành Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng nhiều doanh nghiệp trên cả nước. 

Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% và trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%.  

Riêng 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập, quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Cả nước có 89.407 doanh nghiệp thành lập mới, mức cao nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trên 130.000  doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là  44.301, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37 % so với cùng kỳ năm 2021. 

Bên cạnh đó, có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường nội địa một số ngành phục hồi 75-85% so với trước dịch Covid-19. 

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng mạnh với 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021 với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực khi gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III/2022; 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý II/2022. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm; tác động của kinh tế thế giới tới hoạt động trong nước, nhận định cơ hội, khó khăn, rào cản, vướng mắc, đề xuất cụ thể một số giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong một số ngành: du lịch, hàng không, xây dựng, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, logistics, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, lúa gạo, rau quả. 

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đánh giá nền kinh tế vẫn đối diện áp lực và nguy cơ lạm phát, vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phục hồi và phát triển còn hạn chế….; khu vực doanh nghiệp tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn cung và cầu do tác động bởi dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao; thiếu hụt lao động; lạm phát cao ở nhiều quốc gia trên thế giới…

7 nội dung lớn mang tính chất nền tảng và 6 nhiệm vụ trong ngắn hạn cần tập trung

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương. 

Để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển. 

Thứ nhất, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Thứ hai, thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động…

Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số. 

Thứ tư, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân. 

Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công , dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp. 

Thứ bảy, làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số….

Cùng với đó, Thủ tướng nêu rõ 6 nhiệm vụ trong ngắn hạn cần tập trung triển khai, gồm: 

Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vaccine theo mục tiêu đã đề ra. 

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh triển khai thủ tục trực tuyến, tránh giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, không gây khó khăn mà tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, kể cả tham nhũng vặt. 

 Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong 7 tháng năm 2022, tỉnh Yên Bái có 192 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký trên 2.346 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Yên Bái có 2.845 doanh nghiệp, trong đó, số đang hoạt động chiếm 77,88%. 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 913,1 tỷ đồng, chiếm 63% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh.

Văn Thông