Hội Khuyến học Yên Bái chủ động xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Bác Hồ “Học không bao giờ cùng”

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/10/2022 | 6:04:39 AM

YênBái - Ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam cũng là ngày cách đây 22 năm, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái được thành lập. Qua thời gian và các giai đoạn lịch sử khác nhau, Hội đã phát triển không ngừng, trở thành một tổ chức xã hội hoạt động tự giác, tự nguyện có quy mô rộng lớn, liên kết thành một liên minh chặt chẽ, lan tỏa sâu rộng khắp trong toàn tỉnh.

Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh (hàng trước, bên phải) cùng lãnh đạo hội khuyến học các huyện, thị, thành phố ký kết phát động thi đua đẩy mạnh Phong trào Xây dựng xã hội học tập tại tỉnh từ năm 2022 - 2025 và giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh (hàng trước, bên phải) cùng lãnh đạo hội khuyến học các huyện, thị, thành phố ký kết phát động thi đua đẩy mạnh Phong trào Xây dựng xã hội học tập tại tỉnh từ năm 2022 - 2025 và giai đoạn 2021 - 2030.

Hàng năm, cứ đến độ thu về, mọi người con đất Việt đều có cảm xúc đặc biệt về mùa thu cách mạng. Cũng từ mùa thu lịch sử hào hùng ấy, đánh dấu tháng đầu tiên của một năm học mới bắt đầu của ngành giáo dục; đồng thời, cũng là "Tháng khuyến học” được phát động với sự hưởng ứng sâu rộng vì sự nghiệp trồng người trong cả nước. Cũng trong dịp thu đầy ý nghĩa đó cũng là ngày truyền thống vẻ vang của Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 và Ngày thành lập Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái.

Xa xưa, cha ông ta đã có "học điền” rất hiệu quả để khuyến khích sự học. "Học điền” để tôn sùng đạo thầy; "học điền” cũng là để có đất ruộng cấy cày, có cái ăn để nuôi dưỡng nho sinh theo quan điểm "có thực mới vực được đạo”. 

Từ khi cách mạng thành công, chế độ nhà nước mới ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự học đã được quan tâm đặc biệt. Diệt "giặc dốt” là một trong ba thứ "giặc” đặt lên nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền non trẻ và có kết quả rất to lớn trong khắp cả nước chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt, từ khi Hội Khuyến học Việt Nam ra đời, hoạt động khuyến học đã phát triển thành phong trào tự giác, là kết tinh tinh hoa sự học ngàn đời của cha ông. Đó cũng là thành quả nổi bật, ưu việt của chế độ ta. 

26 năm, một chặng đường đầy tự hào, đặt nền móng đầu tiên cho truyền thống vinh quang của một tổ chức hội, với sự có mặt của tổ chức và hội viên ở tất cả thôn, bản, phun, sóc, có mặt ở nhiều cơ quan, đơn vị, dòng họ trong cả nước. Sự nghiệp giáo dục và khuyến học của Yên Bái nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của cấp ủy và chính quyền các cấp địa phương trong tỉnh. 

Cũng vào thời điểm này cách đây 22 năm, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái được thành lập. Qua thời gian và các giai đoạn lịch sử khác nhau, Hội đã phát triển không ngừng, trở thành một tổ chức xã hội hoạt động tự giác, tự nguyện có quy mô rộng lớn, liên kết thành một liên minh chặt chẽ, lan tỏa sâu rộng khắp trong toàn tỉnh. 

Thời gian qua, Hội khuyến học các cấp trong tỉnh đã giành được nhiều kết quả trong phong trào thi đua yêu nước. 22 năm qua, từ những ngày đầu chăm lo tổ chức, tập hợp hội viên, gây dựng phong trào, chắt chiu từng thành quả, tạo nền móng, từng bước nhân rộng, đi vào chiều sâu chất lượng và nay phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh đã phát triển toàn diện, lan tỏa sâu rộng, liên kết chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà thiện nguyện, hảo tâm. 

Chúng ta tự hào về kết quả to lớn của phong trào công tác Hội: 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, đơn vị, trường học có tổ chức Hội; phát triển hội viên chuyển biến về chất, từ vận động, tập hợp đơn thuần đến tự giác, tự nguyện vào tổ chức hội và làm công tác khuyến học, khuyến tài; trên 26,4% dân số tham gia tổ chức hội (tăng gấp hơn mười lần so với cách đây 22 năm, tăng 9% so với đầu nhiệm kỳ trước). Các mô hình học tập được xây dựng, nhiều cách làm hay, sáng tạo và kết quả hoạt động thực chất. Phát triển cả về bề rộng phong trào, chiều sâu chất lượng các mô hình khuyến học, khuyến tài đã có sức lan tỏa, tác động ảnh hưởng tích cực tới các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân. 

Các tổ chức, lực lượng xã hội có sự trao đổi, hỗ trợ, liên kết, liên thông cùng tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Việc ký kết tổ chức thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài cùng với cách làm sáng tạo, tìm ra phương pháp, nội dung hoạt động mới trong các ngành, các đơn vị đã làm cho phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh có phong trào sâu rộng, lan tỏa, ảnh hưởng, tác động tích cực, góp phần đáng kể vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt nhân dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023. 

Qua công tác phối hợp, vai trò nòng cốt, liên kết của Hội Khuyến học được khẳng định rõ, trọng tâm của các hoạt động, huy động các lực lượng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, đưa phong trào học tập có chỗ đứng trong xã hội và trong tâm thức của người dân. Vận động, xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài có kết quả vượt bậc, đa dạng hóa hình thức vận động của nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, nhất từ các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh.

Với nguồn quỹ có được, hàng trăm nghìn lượt học sinh được trao học bổng, khen thưởng, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên trong học tập. Lần đầu tiên, chúng ta có chương trình dự án hàng tỷ đồng từ cộng đồng doanh nghiệp dành cho các suất học bổng được cấp ổn định, lâu dài cho các cháu từ khi học THPT đến tốt nghiệp đại học. Lần đầu tiên, chúng ta có nguồn tài trợ của nhà hảo tâm nước ngoài dùng cho việc mở lớp học nhân ái, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao và mở các lớp học Tiếng Anh giao tiếp đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân; lần đầu tiên đã tổ chức thành công 5 lớp học trong chương trình bảo tồn văn hóa đặc sắc dân tộc thiểu số về tiếng nói, chữ viết theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Chúng ta đã tổ chức trao tặng hàng nghìn tài khoản cho học sinh học và ôn thi trực tuyến qua mạng hữu ích, hiệu quả khi có dịch Covid-19. Có nguồn quỹ dùng cho mua trang thiết bị dạy và học, xây dựng phòng học kiên cố và cơ sở hạ tầng thiết yếu. Điển hình trong số đó là 2 công trình xây dựng "Cầu Khuyến học - Dân trí” với trên 2,5 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của cá nhân các nhà hảo tâm và cộng đồng doanh nghiệp.

 

Tự hào về truyền thống vẻ vang và kết quả sáng rực trong công tác khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học tỉnh xác định từ nay đến 2025 và tầm nhìn đến 2030 tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện trong tất cả các cấp Hội; làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác khuyến học, khuyến tài theo tinh thần chủ động, năng động, thường xuyên, nhất là triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn của địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh ta; đẩy mạnh phối hợp, liên kết các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp với nòng cốt là Hội khuyến học các cấp. 

Gắn chặt phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với nhiệm vụ chính trị từng ngành, đơn vị và nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tích cực chủ động vận động xây dựng quỹ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án mới về "học bổng cho em vượt khó đến trường” mang tính ổn định, căn cơ, xuyên suốt trong quá trình học phổ thông, qua đó tạo cho các em điều kiện thực sự tập trung cho học tập và rèn luyện.

Triệu Tiến Thịnh (Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái)