Yên Bình tăng cường “số hóa” công tác Đảng

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/12/2022 | 8:11:28 AM

YênBái - Việc thực hiện số hóa trong nghiệp vụ công tác Đảng trong đó có sử dụng “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” tại các buổi sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ huyện Yên Bình đã góp phần quan trọng đổi mới, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt, tạo hiệu ứng lan tỏa về chuyển đổi số (CĐS) trong toàn huyện...

Các đảng viên Chi bộ thôn Khe Gầy, xã Tân Hương sử dụng nền tảng
Các đảng viên Chi bộ thôn Khe Gầy, xã Tân Hương sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt chi bộ.

Tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác

Chi bộ thôn Khe Gầy thuộc Đảng bộ xã Tân Hương, huyện Yên Bình có 14 đảng viên thì có đến 12 đảng viên đã sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt chi bộ; 2 đảng viên chưa sử dụng đều là đảng viên cao tuổi, được miễn sinh hoạt và không sử dụng điện thoại thông minh. 

Bà Bùi Thị Lợi - Bí thư Chi bộ thôn Khe Gầy cho biết: Các đảng viên trong Chi bộ cơ bản đều là người dân tộc thiểu số nên khi thực hiện sinh hoạt chi bộ trên nền tảng số ban đầu mọi người cũng nản, ngại đổi mới. Qua tuyên truyền, hướng dẫn và trải nghiệm những tiện ích trên ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, các đảng viên đều thấy việc sử dụng rất tiện lợi, sử dụng mọi lúc, mọi nơi mà không hề tốn thời gian, chi phí.

"Trước đây, mỗi lần có nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng ủy cấp trên, đảng viên phải tập trung lại để cùng nhau học tập, nghiên cứu tại hội trường thôn hay trụ sở xã. Bây giờ, các nghị quyết, chỉ thị được cập nhật ngay và liên tục trên ứng dụng nên mọi người có thể học tập bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Tôi thấy rất là tiện lợi” - Bí thư Chi bộ Bùi Thị Lợi chia sẻ. 

Kỳ sinh hoạt Chi bộ thôn Khe Gầy tháng 12 là kỳ sinh hoạt thứ 10 mà các đảng viên trong Chi bộ sử dụng ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” để sinh hoạt. Những tiện ích mà phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” mang lại, đặc biệt là trong việc cung cấp thông tin chính thống cho đảng viên góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của thôn đề ra trong năm 2022. 

Chung quan điểm với Bí thư Lợi, đảng viên trẻ La Thị Kiều rất hào hứng khi chia sẻ về những tiện ích khi sử dụng ứng dụng này. Sử dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt chi bộ có rất nhiều tiện ích, khoa học và nhanh chóng. 

"Khi sử dụng phần mềm, tôi dễ dàng tiếp cận các thông tin, văn kiện, tư liệu, văn bản mới, dễ dàng lưu giữ những thông tin mình quan tâm để tiện cho việc nghiên cứu, học tập, tra cứu sau này. Phần mềm cũng cung cấp kho nội dung thông tin phong phú về văn kiện, tư liệu, các văn bản mới của trung ương và của tỉnh. Qua đó, giúp đảng viên tiếp cận, nắm bắt các thông tin kịp thời, chính xác, đảm bảo tính thời sự mà không cần phải đợi đến các kỳ sinh hoạt như trước kia. Tôi cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn để các đảng viên cao tuổi sử dụng thành thạo ứng dụng này” - đảng viên trẻ La Thị Kiều cho biết. 

Với Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương Trần Ngọc Thương: "Các đảng viên của Đảng bộ đều rất hào hứng và thích thú khi sử dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt chi bộ. Các hội trường thôn đều được trang bị đầy đủ hệ thống mạng Internet với đường truyền tốc độ cao để phục vụ cho sinh hoạt. Với các đảng viên cao tuổi, đảng viên là người dân tộc thiểu số có những khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin được các đảng viên trẻ hướng dẫn tỉ mỉ theo cách cầm tay, chỉ việc nên họ cũng tiếp cận được dễ dàng...". 

Đảng bộ xã Tân Hương đã có 85% đảng viên sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt. Chất lượng các buổi sinh hoạt cũng tốt hơn và việc kiểm soát các đảng viên dự sinh hoạt cũng chặt chẽ hơn.

Từng bước "số hóa” nghiệp vụ công tác Đảng

Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy Yên Bái về triển khai thí điểm sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái" năm 2022, Huyện ủy Yên Bình đã lựa chọn 9 tổ chức đảng với 247 đảng viên tham gia thực hiện. Sau thời gian triển khai thí điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng đến 100% các chi bộ trong toàn huyện. 

Từ tháng 10/2022 đến nay, 284 chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đã triển khai ứng dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái" vào sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Đồng thời huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 568 đồng chí là bí thư, phó bí thư, thư ký của chi bộ và các đồng chí trong tổ CĐS cộng đồng giúp các đồng chí nắm được những kỹ năng cơ bản để sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái" bằng điện thoại thông minh trong các buổi sinh hoạt chi bộ. 

Đến nay, tổng số đảng viên được tạo lập tài khoản trong toàn đảng bộ là 5.565 đảng viên, đạt 83,05% (không tính các đảng viên miễn sinh hoạt và số đảng viên chưa có điện thoại thông minh). 


Đồng chí Nguyễn Dũng Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình trao đổi về số hóa nghiệp vụ công tác Đảng với cán bộ, chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy. 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình Nguyễn Dũng Giang khẳng định: Sau thời gian triển khai ứng dụng nền tảng số cho thấy, việc ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” vào sinh hoạt cấp ủy, chi bộ đã từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên theo chủ trương của tỉnh, của huyện. 

Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, góp phần chuyển đổi nhận thức, tư duy của đảng viên về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, công tác đảng, tạo hiệu ứng lan tỏa CĐS trong toàn huyện. 

Việc sử dụng nền tảng số đã giúp cho chi bộ triển khai học tập kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận... của trung ương, của tỉnh. Đối với các đảng viên cao tuổi còn sử dụng ứng dụng giọng nói để tìm hiểu thêm các thông tin về chỉ thị, nghị quyết. 

Ngoài ra, các đảng viên còn dành thời gian truy cập vào các nền tảng số để khai thác thông tin, nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. 

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như nhiều đảng viên lúng túng trong việc sử dụng các thao tác chụp ảnh, scan tài liệu để đính kèm tài liệu lên ứng dụng; phần mềm không cập nhật kịp thời do có nhiều người cùng truy cập vào một thời điểm; một số đảng viên chưa có điện thoại thông minh hoặc điện thoại thông minh có cấu hình thấp; đảng viên cao tuổi gặp khó khăn trong quá trình cài đặt phần mềm và các thao tác trên điện thoại thông minh...

Cùng với việc đẩy mạnh sử dụng ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, Đảng bộ huyện Yên Bình tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, số hóa hồ sơ đảng viên và đẩy mạnh số hóa trong xử lý công việc, góp phần nâng cao năng lực cán bộ trong sử dụng công nghệ thông tin. Anh Hoàng Minh Đức - chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Bình nhanh tay cập nhật các thông tin của đảng viên trên hệ thống phần mềm để kịp thời theo dõi. 

Anh Đức cho biết: Phần mềm được sử dụng sẽ thuận lợi hơn trong việc theo dõi tình hình đảng viên, về các thông tin của đảng viên để kịp thời quản lý trong việc cấp thẻ Đảng, trao huy hiệu Đảng mà vẫn đảm bảo tính an toàn, không mất nhiều thời gian tìm kiếm… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cập nhật đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải tỉ mỉ, bám sát thông tin hồ sơ gốc để đảm bảo cập nhật đầy đủ, chính xác. Việc số hóa dữ liệu đảng viên sẽ rất thuận lợi cho việc tra cứu dữ liệu đảng viên, cấp phát thẻ Đảng, huy hiệu Đảng. 

Đồng chí Nguyễn Dũng Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Yên Bình đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc, quyết liệt và bài bản. Đồng thời thành lập các tổ công nghệ để hỗ trợ các đảng bộ, chi bộ trực thuộc trong việc triển khai nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” và cài đặt các phần mềm số hóa nghiệp vụ công tác Đảng. Đồng thời nắm bắt những khó khăn để phản ánh từ đó đề xuất các giải pháp để thực hiện. Việc số hóa nghiệp vụ công tác Đảng đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Có thể thấy, những thành công bước đầu trong thực hiện "số hóa” công tác Đảng đã thể hiện quyết tâm cao của huyện Yên Bình kỳ vọng không chỉ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng mà còn giúp các đảng viên tích cực hoạt động trên môi trường số, từ đó trở thành những hạt nhân trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số ở địa phương. 

Mạnh Cường