Văn Chấn đẩy mạnh kinh tế rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/2/2023 | 8:00:52 AM

YênBái - Địa bàn rộng, Văn Chấn là huyện giàu tiềm năn phát triển lâm nghiệp. Những năm qua, cùng với việc quan tâm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, huyện đã động viên nhân dân đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc, nâng cao mật độ và kéo dài độ tuổi khai thác để có được trữ lượng và chất lượng gỗ ngày càng cao.

Nhân dân huyện Văn Chấn tham gia Tết trồng cây đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Quý Mão - 2023
Nhân dân huyện Văn Chấn tham gia Tết trồng cây đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Quý Mão - 2023


Gia đình ông Vàng A Sùng ở thôn Ba Cầu có 3 ha rừng gỗ lớn. Trước đây, diện tích rừng keo của gia đình chủ yếu để trồng ngô, lúa nương. Sau vài vụ, đất bạc màu, hiệu quả thấp. Được sự vận động của cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương ông đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng keo. Sau một chu kỳ khai thác, gia đình ông Sùng đã trồng lại và mở rộng thêm diện tích. 

Rút kinh nghiệm từ lần trồng trước, lần này, ông dự định trồng rừng gỗ lớn nên đã lựa chọn cây keo giống có chất lượng và trồng với mật độ thấp hơn; đồng thời, tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để rừng sinh trưởng và phát triển tốt. 

Ông Sùng chia sẻ: "Tôi đã trồng rừng được 13 -14 năm rồi. Gia đình tôi và bà con ở đây cũng được cán bộ kiểm lâm, cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn để trồng rừng gỗ lớn. Tôi thấy đây là chủ trương rất đúng để nâng cao hiệu quả trồng rừng”.

Với diện tích đất lâm nghiệp gần 60.000 ha, những năm qua, việc phát triển kinh tế rừng đã mang lại nguồn lợi, giá trị đáng kể cho người dân Văn Chấn. Đã hết diện tích trồng rừng, huyện chủ trương nâng cao chất lượng rừng, vận động nhân dân tăng cường thâm canh, chăm sóc để rút ngắn chu kỳ khai thác và quy hoạch các diện tích rừng, diện tích đất để phát triển rừng gỗ lớn. 


Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, các xã, thị trấn đã tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp sát với điều kiện thực tế, tiêu chí các loại rừng, đảm bảo hài hòa giữa quản lý bảo vệ với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất, đưa vào quy hoạch huyện; đồng thời, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường kiểm tra, phòng chống cháy rừng ngăn chặn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp... 

Trên cơ sở quy hoạch, chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, các địa phương tăng cường vận động, đôn đốc người dân tập trung trồng mới và trồng bổ sung theo quy hoạch, đảm bảo hiệu quả việc trồng rừng. Từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục đặt ra những mục tiêu cụ thể cho việc phát triển rừng. 

Theo đó, huyện phấn đấu ổn định độ che phủ rừng từ 56% trở lên; diện tích rừng trồng hàng năm đạt 3.000 ha trở lên; trong đó, trồng rừng tập trung 760 ha, rừng gỗ lớn 500 ha; giá trị sản phẩm gỗ lớn trên một chu kỳ sản xuất đối với cây sinh trưởng nhanh đạt 225 triệu đồng/ha/chu kỳ; tạo việc làm, ổn định sinh kế người dân làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số... 

Huyện gắn kết giữa bảo tồn và phát triển với sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quản lý rừng, xây dựng các mô hình gắn kết cộng đồng địa phương tham gia vào quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; triển khai thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho các chủ rừng... 

Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Để thực hiện mục tiêu này, Hạt đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn quy hoạch diện tích đất trồng rừng; trong đó, phân rõ diện tích rừng gỗ lớn, rừng đạt chuẩn FSC. Trên cơ sở diện tích quy hoạch và chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, Hạt đã ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng, lựa chọn và tổ chức cung ứng giống có chất lượng, kịp thời vụ để nhân dân triển khai trồng trong đúng khung lịch thời vụ”.

Thời gian qua, kinh tế rừng có vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Tại nhiều xã vùng cao, đời sống của hàng ngàn hộ dân đã trở lên khấm khá từ rừng. 

Để phát triển lâm nghiệp bền vững, cùng với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông - lâm nghiệp, huyện Văn Chấn đang tăng cường công tác khuyến lâm, ứng dụng mô hình nông lâm kết hợp như: trồng cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng, gắn tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, chăm sóc rừng đảm bảo quy trình, đủ điều kiện cấp chứng chỉ rừng bền vững...

Trần Van - Phan Tuấn