Nghệ nhân Hà Thị Thanh Tịnh đam mê giữ “kho báu” của người Tày

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/2/2023 | 1:55:06 PM

YênBái - Nhận thấy phong tục tập quán và các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Tày dần bị mai một theo năm tháng, nghệ nhân Hà Thị Thanh Tịnh ở thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên cùng với một số người cao tuổi trong làng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống xã Kiên Thành và bắt đầu sưu tầm từ những người cao tuổi và được họ truyền dạy lại.

Người Tày xã Kiên Thành biểu diễn các điệu Dậm thuông cổ trong lễ hội Cầu mùa năm 2023.
Người Tày xã Kiên Thành biểu diễn các điệu Dậm thuông cổ trong lễ hội Cầu mùa năm 2023.

Từ năm 1982, bà đã được các nghệ nhân ở địa phương truyền dạy, biểu diễn thành thục các điệu Dậm thuông cổ của dân tộc Tày. Bà cũng học thuộc được các làn điệu dân ca then cổ như: hát vọng (vừa múa vừa hát theo các điệu Dậm thuông), hát then điệu Khảm hải (hát đưa đò qua sông), hát khắp nôm (hát đối đáp ứng khẩu trực tiếp), hát tu (ru con, ru cháu theo làn điệu dân tộc Tày). 

Từ năm 1995, bà Tịnh bắt đầu thực hiện truyền dạy các điệu múa, điệu hát then cho một số học viên có chung sở thích đam mê. Đến năm 2014, bà lại tiếp tục thành lập 1 CLB nghệ thuật dân tộc gồm 15 thành viên, sinh hoạt thường xuyên mỗi tuần một buổi cùng tham gia giao lưu, học hỏi, tập luyện. Năm 2018, bà tiếp tục mở 1 lớp dạy hát then cho 17 thành viên. 

Em Hà Phương Linh - học viên của lớp hát Then chia sẻ: "Em rất vui khi được tham gia lớp dạy hát then do bà Tịnh và các ông bà cao tuổi tổ chức, trong lớp học chúng em được truyền dạy các làn điệu hát then, giúp chúng em cảm thấy thêm tự hào về nét riêng có của dân tộc mình. Ngoài ra, trong các lễ hội, chúng em còn được biểu diễn để quảng bá bản sắc truyền thống của dân tộc Tày…”.

Cùng với lưu giữ, truyền dạy các điệu dậm thuông, hát then, nghệ nhân Hà Thị Thanh Tịnh còn phối hợp với chính quyền địa phương khôi phục lại các lễ hội truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào dân tộc tại địa phương. 

Năm 2007, bà cùng chính quyền xã Kiên Thành sưu tầm lại Lễ hội Cầu mùa (hay còn gọi là Lễ hội Lồng tồng) của dân tộc Tày xã Kiên Thành đã bị thất truyền từ năm 1957. Đến năm 2009, Lễ hội xã Kiên Thành chính thức được khôi phục, trong đó có các làn điệu múa then cổ. 


Người Tày xã Kiên Thành biểu diễn các điệu dậm cổ trong lễ hội Cầu Mùa năm 2023. 

Hiện nay, Lễ hội Cầu mùa của người Tày Kiên Thành đã trở thành lễ hội to nhất, vui nhất trong dịp đầu xuân năm mới ở huyện Trấn Yên. Lễ hội thường xuyên thu hút hàng nghìn người dân bản địa và du khách thập phương. 

Nghệ nhân Hà Thị Thanh Tịnh chia sẻ: "Nhiều năm qua, tôi luôn trăn trở và mang trong mình nỗi lo rằng, mai mốt khi những người già khuất núi sẽ mang theo di sản, phong tục tập quán, nguy cơ con trẻ không có tư liệu, không giữ được bản sắc văn hóa sẽ rất cao. Việc truyền dạy của các nghệ nhân và các bậc cao niên được thực hiện tại các lễ hội, các nhà trường, các CLB. Nhờ vậy, các giá trị văn hóa cổ truyền được trao truyền liên tục và có sức gợi nhắc thế hệ trẻ luôn giữ gìn và phát huy”.

Ông Hoàng Văn Lũy - Bí thư Đảng ủy xã Kiên Thành cho biết: "Hát then, đàn tính và các điệu múa dậm thuông của dân tộc Tày là một loại hình nghệ thuật quần chúng được truyền dạy qua nhiều thế hệ người Tày, được thể hiện qua nhiều thể loại như: hát, múa mang tính chất tâm linh và giải trí trong cộng đồng dân cư. Qua đó, giáo dục con người làm điều hay, lẽ phải, làm việc thiện. Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc truyền thống này, ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự quan tâm vào cuộc của các già làng, trưởng bản và đặc biệt là của các nghệ nhân am hiểu văn hóa dân tộc như bà Hà Thị Thanh Tịnh có ý nghĩa hết sức quan trọng”.

Hùng Cường