Yên Bái lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cơ bản đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/3/2023 | 7:39:52 AM

YênBái - Toàn tỉnh đã tổ chức 1.113 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 339.603 lượt người tham gia; đã nhận được 13.586 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp tổ chức tháng 3/2023.
Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp tổ chức tháng 3/2023.


Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã triển khai tới MTTQ các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế như: thông tin trên trang thông tin điện tử, Zalo, Website, fanpage, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cơ quan, đơn vị…

Cùng đó, triển khai tới ủy ban MTTQ các huyện, thị, thành phố chỉ đạo MTTQ các xã, phường, thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức thành viên lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo LĐĐ gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất… 

Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với dự thảo LĐĐ (sửa đổi) đã hoàn thành. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận các báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức thành viên, các hội đồng tư vấn, ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố, đối với dự thảo LĐĐ (sửa đổi). 

Theo đó, toàn tỉnh đã tổ chức 1.113 hội nghị, hội thảo với 339.603 lượt người tham gia; đã nhận được 13.586 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Việc tổ chức lấy ý kiến đã được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, khoa học, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm, cơ bản đảm bảo được mục đích, yêu cầu đề ra. 

Tổng hợp tại các hội nghị lấy ý kiến, hầu hết nhân dân đồng tình với nội dung dự thảo LĐĐ (sửa đổi); trong đó, Chương I. Quy định chung có trên 800 lượt ý kiến đồng tình; Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai có 1.650 lượt ý kiến tham gia; Chương III. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất có trên 600 lượt ý kiến đồng tình; Chương IV. Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai có trên 650 lượt ý kiến tham gia; Chương V. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trên 650 lượt ý kiến tham gia; Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất có trên 900 lượt ý kiến đồng tình; Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất có trên 1.000 lượt ý kiến tham gia; Chương VIII. Phát triển quỹ đất có trên 850 lượt ý kiến đồng tình; Chương XVI. Điều khoản thi hành có trên 10.000 lượt ý kiến đồng tình… 

Về bố cục, kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của dự thảo LĐĐ (sửa đổi) các ý kiến đều nhất trí. Về kỹ thuật soạn thảo, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu soạn thảo Luật cho dễ đọc, dễ hiểu hơn. Cùng đó, đề xuất, kiến nghị ban soạn thảo LĐĐ (sửa đổi) xem xét, nghiên cứu xây dựng Luật phù hợp, đồng bộ với các luật khác; khi LĐĐ (sửa đổi) có hiệu lực, cần thiết phải có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết đi kèm… 

Luật cần thể chế đầy đủ theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế  hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong  phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội. 

Trước khi phê duyệt các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cần phải lấy ý kiến góp ý, phản biện xã hội của người dân thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo sự đồng thuận cao khi tổ chức thực hiện; cần rà soát lại các vấn đề liên quan đến đất công sử dụng không đúng mục đích...

Thông qua việc lấy kiến của nhân dân đối với dự thảo LĐĐ (sửa đổi), đã góp phần hoàn thiện dự án LĐĐ (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo LĐĐ (sửa đổi), góp phần sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.

Hồng Oanh