Chủ động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/3/2023 | 7:44:09 AM

YênBái - Mùa mưa bão năm 2023 sắp bắt đầu và được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Yên Bái không nằm trong mắt bão, hay tâm bão nhưng lại thường xuyên phải hứng chịu của áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão và nhất là địa hình đồi núi cao, chia cắt bởi nhiều sông suối nên hàng năm có hàng chục đợt thiên tai xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công nhân Điện lực Yên Bái sửa chữa, bảo dưỡng đường dây trước mùa mưa bão.
Công nhân Điện lực Yên Bái sửa chữa, bảo dưỡng đường dây trước mùa mưa bão.

Mỗi người dân Yên Bái nói chung và người dân Cát Thịnh, huyện Văn Chấn nói riêng vẫn còn ám ảnh bởi trận lũ quét kinh hoàng xảy ra rạng sáng ngày 28/9/2005 tại Ba khe, xã Cát Thịnh gây nên cảnh hoang tàn, tang tóc.

Lũ đã làm chết và mất tích 57 người, hàng trăm ngôi nhà, hoa màu, ruộng nương cũng bị cuốn theo dòng nước lũ. Hay như trong tháng 8/2008 do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, sạt lở đất, Yên Bái và nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn và làm 31 người chết, thiệt hại kinh tế cả ngàn tỷ đồng. 

Còn nhớ trận lũ ống kinh hoàng từ đỉnh núi tràn qua tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải xảy ra rạng sáng ngày 3/8/2017 đã làm 15 người chết và kéo theo nhiều nhà cửa, tài sản, công trình dân sinh, gây thiệt hại kinh tế trên 160 tỷ đồng. 

Năm 2022 là năm được đánh giá ít thiệt hại nhất thì cũng xảy ra 22 đợt thiên tai làm chết 3 người, 1 người mất tích; hư hỏng 618 nhà, 848, 48 ha lúa và hoa màu, 19 ha nuôi trồng thủy sản, 700 con gia súc, gia cầm chết, 4 điểm trường, 18 công trình thủy lợi, công cộng bị hư hỏng…, ước thiệt hại trên 161 tỷ đồng. Điểm lại những con số đau xót trên, cho thấy sự bất thường, cực đoan, sự tàn phá nặng nề của thiên tai, bão lũ gây ra. 

Thiên tai là hiện tượng tự nhiên, bất thường, đặc biệt do biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ ngày càng cực đoan, nếu chúng ta chủ động, biết cách phòng chống một cách hài hòa, chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại cả người và tài sản. 

Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai; các chỉ thị, nghị quyết, quyết định về phòng, chống thiên tai thì cần phải có sự vào cuộc tích cực với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, mỗi cộng đồng dân cư, gia đình và mỗi cá nhân. 

Ngay trong mùa bão lũ 2023 các địa phương, ngành kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đánh giá rút kinh nghiệm chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được để làm cơ sở phòng, chống hiệu quả. 

Các huyện xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và rà soát, di dời đến từng hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; tăng cường kiểm tra, đánh giá, quản lý, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông, hồ chứa; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ”; tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn và diễn tập công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai giúp cho cán bộ, nhân dân nâng cao ý thức chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Trong sản xuất nông, lâm nghiệp cần có phương án sản xuất phù hợp với thời tiết của từng vùng, từng địa phương, đồng thời chủ động cung ứng giống, vật tư phân bón đáp ứng cho sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cảnh báo, ứng phó, quản lý thiên tai. Ngành chức năng căn cứ nhiệm vụ của mình có phương án cụ thể, sát thực tiễn từ chủ động phòng, chống đến khắc phục một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. 

Một vấn đề không thể không nói đến là phải triển khai các nhóm giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng, quản lý rủi ro do thiên tai dựa vào cộng đồng. Cộng đồng là người hiểu rõ nhất những khó khăn, thách thức khi thiên tai xảy ra và khả năng ứng phó, chủ động ứng phó, chống chịu cũng như hỗ trợ lẫn nhau khi có thiên tai. Trước mùa mưa bão, người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa, không đi nương, không đi qua sông, suối khi mưa to… 

Khi có sương muối chủ động nhốt gia súc, gia cầm; che chắn rau màu… Thường xuyên kiểm tra, quan sát khi thấy bất thường phải chủ động báo chính quyền và có phương án di dời người và nhà cửa ra khỏi nơi nguy hiểm… 

Những nơi thường xuyên bị ngập lụt, các hộ gia đình chuẩn bị các phương tiện tàu, thuyền, bè, mảng ứng phó kịp thời không bị động. Từ thực tiễn cho thấy, công tác phòng tránh được chuẩn bị kỹ lưỡng, có phương án từ xa, từ sớm thì càng ít bị động, ít bất ngờ khi thiên tai xảy ra dù có dữ dội đến đâu. Phương án "4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) không chỉ với các ngành chức năng, cơ quan, đơn vị mà với mỗi cộng đồng dân cư, mỗi hộ gia đình là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả phòng, chống thiên tai, bão lũ.

Thanh Phúc