Yên Bái: Tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/3/2023 | 7:30:18 AM

YênBái - Thực tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn đang có cơ sở thẩm mỹ vi phạm song khó khăn trong thể chế quy định dịch vụ thẩm mỹ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Hành vi vi phạm cần phải có chứng cứ mới đủ căn cứ xử lý, cần sự hợp tác của những người sử dụng dịch vụ và công tác phối hợp của nhân dân.

Một ca phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện ở Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.
Một ca phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện ở Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.

GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, PHỐI HỢP CHẶT CHẼ

Xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của người dân, những năm gần đây, các loại hình hoạt động liên quan đến thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển khá mạnh và đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh một số cơ sở hoạt động đúng quy định thì vẫn còn có cơ sở không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. 

Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã phỏng vấn Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Tiến sĩ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ? Công tác cấp phép cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện như thế nào theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế? Trong đó có bao nhiêu cơ sở đủ điều kiện hoạt động được đăng tải công khai rộng rãi?



Tiến sĩ Nguyễn Song Hào: Hiện nay, theo quy định tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội thì kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do vậy, phải được cấp phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB) và Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KB, CB; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. 

Hình thức hoạt động bao gồm: bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở KB, CB khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Còn đối với kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, hiện theo Luật Đầu tư không thuộc danh mục dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, theo Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. 

Trong văn bản thông báo, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ghi cụ thể các dịch vụ thẩm mỹ của cơ sở và nhân sự có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo về phun, xăm, thêu trên da; có giấy chứng nhận đã được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, dịch sinh học. 

Đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ loại này, theo danh sách do các huyện cung cấp theo chỉ đạo tại Công văn số 3995/UBND-VX ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 217 cơ sở. Trong đó, huyện Văn Chấn, Trấn Yên báo cáo không có; thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải chưa báo cáo.

P.V: Hiện nay, tình hình hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh ra sao?
Xin Tiến sĩ đánh giá về những thuận lợi và khó khăn đối với việc quản lý hoạt động của các cơ sở này?

Tiến sĩ Nguyễn Song Hào: Tại Yên Bái, qua theo dõi cho thấy các cơ sở KB, CB được cấp phép hoạt động theo quy định có danh mục chuyên khoa thẩm mỹ đều đảm bảo hoạt động đúng quy định, đúng phạm vi chuyên môn, không có tai biến về dịch vụ chuyên khoa thẩm mỹ xảy ra. 

Hàng năm, các cơ sở này đều được Sở Y tế kiểm tra về chuyên môn hoạt động KB, CB. Còn đối với kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, theo thống kê của các địa phương đa số các cơ sở chưa gửi văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ về Sở, chưa có nhân sự có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo về phun, xăm, thêu trên da, có giấy chứng nhận đã được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, dịch sinh học. 

Đồng thời, còn có cơ sở thực hiện các dịch vụ chuyên khoa thẩm mỹ vượt quá phạm vi, đã có hành vi sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, hoạt động này lén lút rất khó phát hiện, tiềm ẩn nguy cơ tai biến, lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm và trên thực tế đã có những trường hợp tai biến xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. 

Về vấn đề này, Bộ Y tế, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý, trong đó giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý đối với cơ sở thẩm mỹ không phép hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn thẩm mỹ đã công bố; Sở Y tế tăng cường quản lý, kiểm tra đối với các cơ sở thẩm mỹ hợp pháp.

Thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn đang có cơ sở thẩm mỹ vi phạm song khó khăn trong thể chế quy định dịch vụ thẩm mỹ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Hành vi vi phạm cần phải có chứng cứ mới đủ căn cứ xử lý, cần sự hợp tác của những người sử dụng dịch vụ và công tác phối hợp của nhân dân. Mặt khác công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt. 

P.V: Cùng với công tác cấp phép, Sở Y tế đã có những giải pháp gì trong công tác quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi còn nhiều khó khăn, hạn chế như: hoạt động trá hình, lực lượng chức năng mỏng... thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Song Hào: Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó phân công trách nhiệm rõ giữa các ngành, các cấp chính quyền về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ. 

Đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ; đăng tải thông tin về các cơ sở thẩm mỹ hợp pháp trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế. 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở thẩm mỹ hợp pháp; tích cực phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan liên quan và địa phương trong việc xử lý vi phạm về kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân phân biệt được dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn cơ thể thuộc chuyên khoa thẩm mỹ và dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp thông thường và lựa chọn cơ sở đủ điều kiện, được cấp phép khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, can thiệp thẩm mỹ. 

Tuy nhiên, lực lượng thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế cũng rất mỏng, trong khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác. Kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ không thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư nhưng lại quy định bảo đảm điều kiện theo Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng là một khó khăn trong triển khai thực hiện, khó về cơ chế bắt buộc đủ điều kiện đối với cơ sở thẩm mỹ. Sở Y tế đảm bảo quản lý tại các cơ sở hợp pháp, còn đối với cơ sở trái phép thì cần có công tác phối hợp của công an và các cơ quan liên quan cùng với chính quyền địa phương.

P.V: Thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra trường hợp tai biến y khoa để lại hậu quả nghiêm trọng từ những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không đủ điều kiện thực hiện. Thời gian tới, để quản lý hiệu quả hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh, ngành y tế có ý kiến gì về các giải pháp cần phải thực hiện, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Song Hào: Để quản lý hiệu quả hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh, ngành y tế tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo; tăng cường công tác phối hợp giữa Công an tỉnh, các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt kiểm tra đột xuất, phát hiện sớm các vi phạm thông qua thông tin, tự quảng cáo của các cơ sở trên các nền tảng thông tin; phát huy vai trò phản ánh của nhân dân; xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với các cơ sở thẩm mỹ vi phạm. Đối với trách nhiệm của ngành y tế, tiếp tục chỉ đạo thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh phẫu thuật thẩm mỹ và các cơ sở thẩm mỹ. 

Đồng thời, tham gia ý kiến tích cực, đảm bảo tính khả thi đối với dự thảo nghị định mới của Chính phủ và các văn bản quy định chi tiết Luật KB, CB vừa được Quốc hội thông qua năm 2023 về các nội dung chuyên khoa thẩm mỹ tại các cơ sở KB, CB và xem xét có ý kiến phù hợp với thực tiễn đối với quản lý dịch vụ thẩm mỹ hiện nay.

P.V: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

5 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp phép hoạt động theo quy định có danh mục chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh Yên Bái là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái Phòng khám Đa khoa Y cao Hồng Đức. Các cơ sở này được thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Yên Bái. 

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO QUA MẠNG

Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ, hoạt động quảng cáo của các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh qua nền tảng Facebook, Zalo ngày càng trở nên phổ biến và công tác kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng là rất khó khăn.

Thực tế hiện nay, tâm lý phần lớn người dân có nhu cầu làm đẹp sẽ tìm đến các cơ sở tư nhân vì không mất thời gian chờ đợi lâu. Theo lời giới thiệu, chị N.T.P ở phường Yên Ninh quyết định thực hiện dịch vụ nâng mũi tại một spa ở thành phố Yên Bái. 

Chị P cho biết: "Trước khi tới làm, tôi cũng tìm hiểu qua mạng xã hội thì thấy rất nhiều comment tích cực từ khách hàng đã từng làm dịch vụ ở đó. Sau này tìm hiểu mới biết, những phản hồi đó đều có thể là phản hồi "ảo”. May mắn là đến nay, mũi tôi vẫn bình thường. Đây là bài học "xương máu” cho tôi, sau này có làm dịch vụ phẫu thuật làm đẹp gì, dù là nhỏ nhất cũng phải tới cơ sở uy tín, được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép”. 

Đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của người dân, những năm gần đây, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gia tăng rất mạnh với biển hiệu cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở chăm sóc sắc đẹp, spa thẩm mỹ và hình thức quảng cáo thuận tiện nhất là trên nền tảng mạng Facebook, Zalo rất bắt mắt, hấp dẫn.

Được biết, hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Zalo có rất nhiều thuận lợi, phục vụ cho cả người quảng cáo và người có nhu cầu nhưng cũng có rất nhiều bất cập, kẽ hở, nhất là gây nhiễu loạn thông tin, trá hình và đặc biệt gây thất thu thuế của Nhà nước cũng như gây mất an ninh an toàn thông tin mạng. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc thông tin quảng cáo mang lại thì việc kiểm soát, quản lý gặp nhiều khó khăn nhất là quảng cáo chưa đúng quy định trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo. 

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, nguyên nhân của việc khó kiểm soát một phần vì người quảng cáo sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện các hoạt động quảng cáo cho doanh nghiệp, nội dung quảng cáo không được kiểm duyệt. 

Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam và điều kiện, trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. 

Tuy nhiên, các quy định này không nói rõ trách nhiệm kiểm duyệt nội dung quảng cáo và xử lý đối với những quảng cáo không phù hợp. Chế tài xử phạt hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng thực hiện bằng Zalo, Facebook chưa có nên khó khăn cho công tác thanh kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính. 

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Công văn số 3995/UBND-VX ngày 8/11/2022. Theo đó, các cơ quan chức năng, các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định; kiên quyết không để hoạt động dịch vụ thẩm mỹ không phép, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hành nghề quá phạm vi cho phép xảy ra trên địa bàn quản lý... 

Thiết nghĩ, các chủ thể quảng cáo trên mạng Zalo, Facebook chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thiết lập, quản lý, tiến hành các hoạt động quảng cáo trên mạng, nhất là phải đăng ký, cam kết với cơ quan chức năng. Về phía người dân cần có sự tỉnh táo khi tiếp cận các quảng cáo trên mạng xã hội để có sự lựa chọn phù hợp, đặc biệt chủ động tố giác với cơ quan chức năng khi nhận được quảng cáo, cung cấp dịch vụ làm đẹp, dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ sai quy định.

TÌM HIỂU KỸ, LỰA CHỌN ĐÚNG

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của cả phái nam và nữ ngày càng tăng. Đây là nhu cầu chính đáng giúp mỗi người tự tin hơn vào chính bản thân mình. Trước xu thế chung, tại Yên Bái dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ cũng nở rộ tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh tuy nhiên không phải cơ sở làm đẹp nào cũng uy tín và chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Hiện theo quy định, nhóm cơ sở dịch vụ chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng hay nhóm cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da là nhóm cơ sở chỉ cần giấy phép kinh doanh mà không cần cấp phép về y tế. Các cơ sở này không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp xâm lấn. 

Trên thực tế, có một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa thậm chí một số quán cắt tóc, gội đầu ở một số địa phương không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chăm sóc da, làm tóc mà còn thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ, dùng thuốc tê dạng tiêm, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật như nâng mũi, cắt mí mắt, tiêm filler, nâng ngực, tân trang vùng kín; sử dụng các máy laser, plasma để chữa nám, tàn nhang. Nhiều nơi vừa làm đẹp chui vừa kê đơn bán thuốc trái phép. 

Nhớ lại trải nghiệm nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp trái phép tại thành phố Yên Bái, chị N.T.L ngậm ngùi chia sẻ: "Do không tìm hiểu kỹ, tin vào thông tin quảng cáo của một cơ sở làm đẹp trên địa bàn thành phố Yên Bái rằng có bác sĩ thẩm mỹ ở Hà Nội làm mũi tôi đã đăng ký. Làm xong chiếc mũi từ bình thường chỉ hơi tẹt của tôi trở thành lệch, phản hồi lại chỗ làm thì họ bảo chờ rồi mũi sẽ cân trở lại chứ không bảo hành sửa chữa. Chờ mãi mũi vẫn lệch, hàng ngày nhìn gương tôi lại thêm tự ti về bản thân, không dám ra ngoài giao tiếp nhiều. Khi ấy tôi mới tìm hiểu hóa ra họ hoạt động chui và cũng không rõ người làm mũi cho tôi có thực sự là bác sĩ thẩm mỹ hay không. "Tiền mất, tật mang", tôi đành bỏ tiền đến bệnh viện được cấp phép của Nhà nước để làm lại mũi. Cũng may mũi tôi chỉ lệch chứ không bị hoại tử hay biến chứng nặng". 

Từ ngày sinh con xong, da chị L.T.H ở thị xã Nghĩa Lộ xuất hiện nhiều nám, tàn nhang nên muốn được cải thiện sắc đẹp. Theo lời quảng cáo trên Facebook chị L.T.H tìm đến một spa gần nhà để làm đẹp, tại đây được tư vấn dùng các loại thuốc theo tư vấn của chủ spa để xóa nám, tàn nhang kết hợp uống một số thuốc mà cơ sở làm đẹp đã bóc hết nhãn mác. Tuy nhiên, sau khi dùng được vài ngày da chị L.T.H đỏ ửng, sưng tấy, đau ngứa. 

Chị L.T.H cho biết: "Quá lo sợ, tôi tới Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám, tư vấn, điều trị. Sau khi điều trị theo liệu trình dài của bác sĩ, da tôi dần hồi phục trở lại. Bác sĩ giải thích do tôi dùng mỹ phẩm không hợp với da của tôi nên bị dị ứng. Còn thuốc sau khi đem đến cho bác sĩ xem thì rất may đó chỉ là một loại Vitamin. Vậy mà tôi đã mua những viên Vitamin ấy với giá gấp chục lần so với giá bán của các hiệu thuốc. Bác sĩ cũng khuyến cáo tôi tuyệt đối không được mua, sử dụng thuốc ở những cơ sở như vậy nhất là thuốc không còn nhãn mác. Dùng thuốc phải khám và có kê đơn của bác sĩ".

Trên thực tế, theo ghi nhận của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung hàng năm có rất nhiều trường hợp khi đến khám đã bị viêm, loét, tổn thương… phải nhập viện điều trị nhiều ngày mới khỏi hoặc phải chuyển tuyến trên điều trị. 

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Mạnh Tiệp - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, phụ trách chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: "Rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi đến khám, điều trị tại các bệnh viện thì đã ở giai đoạn biến chứng nặng, khó trong việc dùng thuốc khi bác sĩ không biết loại thuốc mà cơ sở làm đẹp sử dụng cho khách hàng trước đó, còn khách hàng thì cũng không rõ. Thực tế, phẫu thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn những nguy cơ trong quá trình thực hiện như: nhiễm khuẩn vết mổ, sẹo xấu, sốc phản vệ do thuốc gây tê… Người thực hiện đòi hỏi nhiều kỹ thuật chuyên môn, phải được thực hiện ở các trung tâm thẩm mỹ uy tín với đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm nhằm giảm mức độ rủi ro xuống mức thấp nhất". 

Làm đẹp là một nhu cầu thiết yếu và chính đáng nhất là đối với những người có khiếm khuyết thì làm đẹp giúp họ tự tin hơn vào bản thân. Tuy nhiên, người dân cần tìm hiểu thật kỹ, lựa chọn các cơ sở làm đẹp uy tín, có chuyên môn, được cấp phép hoặc đã có thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định để vừa đảm bảo an toàn vừa thỏa mãn được nhu cầu làm đẹp. Tuyệt đối không đặt cược tính mạng và sức khỏe của mình vào những cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ chui. 

Trên cả nước, vấn nạn cấp phép một đằng, quảng cáo một nẻo hoặc trang thiết bị, cơ sở vật chất yếu kém chính là hiện trạng của nhiều cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp hiện nay. Trong khi đó, rất nhiều khách hàng lại thiếu kiến thức về làm đẹp, nhẹ dạ cả tin, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp. Nổi bật, vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội xôn xao dư luận năm 2014, một người phụ nữ đã tử vong sau khi làm đẹp sau đó bị phi tang, vứt xác. Tại Yên Bái, năm 2019, một bé gái 13 tuổi tại thị xã Nghĩa Lộ bị biến chứng do kỹ thuật tiêm filler không đúng đã khiến mắt phải cháu bé mất hoàn toàn thị lực, vùng da mặt bị hoại tử nghiêm trọng. 

Trần Minh - Lê Thương