Đề xuất sửa quy định cấm chuyển nhượng thầu dự án giao thông

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/3/2023 | 2:07:54 PM

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi quy định cấm hành vi chuyển nhượng thầu, nhà thầu phụ phải được xác định ngay thời điểm đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế thi công công trình giao thông phát sinh các yếu tố khó đoán định, phải bổ sung nhà thầu phụ ở giai đoạn thi công, nên Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa quy định này cho linh hoạt hơn.

Bộ GTVT lo ngại các quy định quá chặt chẽ về chuyển nhượng thầu, trong khi quy định về nhà thầu phụ còn chung chung có thể dẫn tới khó khăn trong thực hiện.
Bộ GTVT lo ngại các quy định quá chặt chẽ về chuyển nhượng thầu, trong khi quy định về nhà thầu phụ còn chung chung có thể dẫn tới khó khăn trong thực hiện.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý cho Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Từ thực tiễn triển khai các công trình giao thông, Bộ GTVT nhận thấy còn một số nội dung của Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi quy định cấm chuyển nhượng thầu, với nhà thầu phụ, ngay từ bước dự thầu, nhà thầu chính phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ.

Bộ GTVT dẫn các quy định hiện hành đều cho phép nhà thầu chính được ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện một hoặc một số công việc thuộc gói thầu, với điều kiện không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện.

Thực tế triển khai các dự án giao thông vừa qua, Bộ GTVT cho hay, các gói thầu xây lắp thường có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, như thời tiết, giá cả thị trường, mặt bằng, các nhà thầu khác, sức ép tiến độ…

Do các biến động trong quá trình thực hiện gói thầu xây lắp, nhà thầu chính thường khó dự kiến hết các phần việc thuê thêm nhà thầu phụ, hoặc khi cần đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư nhà thầu chính sẽ phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách ban đầu… Từ đó, Bộ GTVT cho rằng, việc quy định quá cứng về hành vi cấm chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi. Cụ thể, bộ này đề xuất bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu; việc sử dụng nhà thầu phụ vượt giá trị tối đa trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý, được chủ đầu tư chấp thuận không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cũng đưa ra khái niệm: Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện công việc xây lắp, tư vấn, phi tư vấn và dịch vụ liên quan của gói thầu, công việc thuộc gói thầu hỗn hợp theo hợp đồng được ký với nhà thầu.

Theo Bộ GTVT, khái niệm "dịch vụ liên quan của gói thầu" có phạm vi rộng và nội hàm chưa rõ, với ngành giao thông có thể dẫn đến cách hiểu khác, như: Đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị thi công xây dựng công trình cũng là nhà thầu phụ. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến gặp vướng mắc với quy định về hành vi cấm chuyển nhượng thầu của luật.

Bộ GTVT đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo dự Luật đấu thầu sửa đổi xem xét, bổ sung quy định loại trừ trong khái niệm nhà thầu phụ, theo hướng đơn vị không phải là nhà thầu phụ khi: Cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi và lấy ý kiến người dân, dự kiến dự luật được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, nếu đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây.

So với quy định hiện hành, dự luật trên mở rộng phạm vi điều chỉnh; làm rõ cơ chế tổ chức lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước theo các phương án; sửa đổi các quy định về: Hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, quy trình, thủ tục, thời gian đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; ưu tiên, ưu đãi đối với nhà thầu sản xuất hàng hóa trong nước; giải quyết kiến nghị…

(Theo TPO)