Phát triển Đảng trong học sinh trung học phổ thông: Còn bỏ ngỏ những “hạt giống đỏ”

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/3/2023 | 3:55:13 PM

YênBái - Nguồn phát triển Đảng là học sinh trong các trường THPT rất dồi dào. Tuy nhiên, 100% chi, đảng bộ nhà trường ở 27 trường THPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong 2 nhiệm kỳ gần đây không kết nạp được đảng viên mới từ nguồn học sinh của trường và hầu hết còn chưa từng kết nạp đảng viên mới là học sinh.

Phát triển đảng viên trong học sinh là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, "ươm mầm”, bồi dưỡng những nhân tố tích cực để tạo nguồn kế thừa, tăng cường sức trẻ, sức chiến đấu cho Đảng. Việc kết nạp Đảng cho học sinh đang học trung học phổ thông (THPT) là sự ghi nhận những nỗ lực của những thanh niên ưu tú; qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ, có tri thức, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, phát triển Đảng trong đối tượng học sinh THPT trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua bị bỏ ngỏ mà nguồn thì rất lớn. Những "hạt giống đỏ” lỡ cơ hội "nảy mầm” và tổ chức Đảng bị lỡ cơ hội được trẻ hóa lực lượng.

Hàng năm, toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 21.500 học sinh THPT tại 27 đơn vị trường học. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, toàn ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) Yên Bái đã nỗ lực đổi mới, đạt được nhiều thành tích tự hào. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao; qua đó, xuất hiện nhiều em học sinh có thành tích xuất sắc, nổi trội.

Cụ thể, từ năm học 2018 đến nay, tỉnh ta có 1 học sinh đạt giải Olympic quốc tế; 163 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia; trong đó, có 5 giải Nhất, 22 giải Nhì, 49 giải Ba và 87 giải Khuyến khích. So với tổng số giải của giai đoạn trước (từ năm 2013 - 2017), số lượng giải học sinh giỏi quốc gia tăng 50 giải. Đặc biệt, năm học 2022 - 2023, Yên Bái đạt 33 giải, với 2 giải Nhất, 6 giải Nhì, 13 giải Ba và 12 giải Khuyến khích; tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên theo từng năm học.

Riêng năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 11,3% học sinh THPT được xếp loại học lực giỏi (tăng 2,8%), loại khá đạt 51,5% (tăng 3,5%); trên 80% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 98%. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học các cấp. Nhiều em tích cực tham gia các hoạt động Đoàn Thanh niên, công tác từ thiện nhân đạo. Hàng năm, nhiều học sinh Yên Bái được nhận danh hiệu "Học sinh 3 tốt” do Trung ương Đoàn trao tặng cùng nhiều danh hiệu khác...

Có thể thấy, nguồn phát triển Đảng là học sinh trong các trường THPT rất dồi dào. Tuy nhiên,100% chi, đảng bộ nhà trường ở 27 trường THPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong 2 nhiệm kỳ gần đây không kết nạp được đảng viên mới từ nguồn học sinh của trường và hầu hết còn chưa từng kết nạp đảng viên mới là học sinh.

Rất nhiều nguyên nhân được các chi, đảng bộ trường học đưa ra như yếu tố quy định điều kiện về đủ 18 tuổi, nên một số em sinh ở thời điểm cuối năm chưa đủ tuổi kết nạp. Còn với các em sinh từ tháng 1 đến tháng 5 thì thời gian ngắn không đủ để thực hiện các quy trình. Nhiều đơn vị cho rằng, việc tìm kiếm nhân tố bồi dưỡng còn khó khăn. Dù công tác giáo dục lý tưởng chính trị, giáo dục nhận thức về Đảng cho các em được thực hiện thường xuyên, nhưng độ tuổi còn quá trẻ nên nhận thức của học sinh THPT còn hạn chế là một rào cản... Cùng với đó là các nguyên nhân như thời điểm kết nạp là lớp 12 với nhiều kỳ thi mang tính quyết định của cuộc đời học sinh, nên các em cũng như giáo viên và phụ huynh chưa thực sự chú trọng...


Khó khăn nào cũng được giải quyết khi có sự quan tâm, chú trọng của cấp ủy các cấp, đặc biệt là cấp ủy cấp trên cơ sở hướng dẫn, định hướng các chi, đảng bộ nhà trường. Phải nhìn nhận thẳng thắn thực tế rằng, rất nhiều chi, đảng bộ trường học, cấp ủy cấp trên cơ sở chưa quan tâm tới công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng là học sinh, nhiều nơi chưa từng nghĩ tới việc phát triển đảng viên từ nguồn học sinh. 

Thầy Phạm Viết Thắng - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên : "Có rất nhiều khó khăn trong việc kết nạp đảng viên là học sinh và ngay cả việc sinh hoạt Đảng chung giữa giáo viên và học sinh cũng là rào cản".


Thực tiễn đã cho thấy,sự quan tâm là chìa khóa giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc trong công tác Đảng. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư Đảng ủy Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên chia sẻ: "Đảng ủy nhà trường cũng đã từng tham mưu, đề nghị với cấp ủy cấp trên về việc kết nạp đảng viên học sinh là cần thiết, phát hiện sớm, bồi dưỡng sớm, đào tạo sớm sẽ có cán bộ trẻ và chiến lược. Song, từ đó đến nay cũng chưa có sự chỉ đạo, hướng dẫn nào cụ thể”.

Thầy Hà khẳng định, nếu được tạo điều kiện, các em học sinh sẽ có cơ hội và nhà trường không khó để tìm được nhân tố điển hình trong học sinh. Thủ tục khó khăn về quy định tuổi; thời điểm sát các kỳ thi quan trọng đối với cuộc đời học sinh... sẽ được giải quyết nếu có sự quan tâm thích đáng - đó là khẳng định của nhiều người đứng đầu chi, đảng bộ trường học.


Thầy Phạm Viết Thắng - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên cũng cùng quan điểm đó: "Có rất nhiều khó khăn trong việc kết nạp đảng viên là học sinh và ngay cả việc sinh hoạt Đảng chung giữa giáo viên và học sinh cũng là rào cản. Tuy nhiên, nếu quyết liệt là có thể làm được và làm là sẽ tìm được nhân tố điển hình trong học sinh. Bởi vì, trong những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh, nhà trường rất chú trọng đến các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục lẽ sống, định hướng tương lai cho học sinh. Qua các phong trào do nhà trường, địa phương, Đoàn thanh niên các cấp phát động đã xuất hiện nhiều gương mặt học sinh tiêu biểu, có thành tích, có tố chất”.

Để triển khai và làm tốt công tác phát triển Đảng trong học sinh THPT trên địa bàn tỉnh, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước tiên, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, đứng đầu là bí thư chi, đảng bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên gắn với nâng cao chất lượng đảng viên mới.

Cùng đó, cấp ủy Đảng cũng phải coi trọng chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện; thực hiện đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo Quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn; quan tâm tạo điều kiện để đảng viên mới rèn luyện phẩm chất, phát huy năng lực, gương mẫu đi đầu trong học tập cũng như các phong trào khác; tăng cường công tác lãnh đạo xây dựng các tổ chức, đoàn thể vững mạnh gắn với việc tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng; đặc biệt quan tâm tới công tác hướng dẫn thủ tục, hồ sơ về kết nạp đảng viên cho cấp ủy viên; tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên.

Mặt khác, ngành GDĐT tỉnh bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện chuyên môn, nhiệm vụ cũng cần có những chỉ đạo các đơn vị tăng cường quan tâm tới công tác phát triển đảng viên cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thực hiện hiệu quả Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.


Xây dựng nhiều hơn nữa các phong trào thi đua, cuộc thi đánh giá chất lượng giáo dục được triển khai trong tất cả các cấp học… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh thi đua học tập, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nhiệt tình, sáng tạo trong các hoạt động phong trào và đủ điều kiện giới thiệu tham gia lớp cảm tình Đảng và kết nạp Đảng.

Các nhà quản lý giáo dục cho rằng, ý thức hệ, truyền thống dân tộc, sứ mệnh dân tộc chính là cốt lõi của giáo dục. Vì thế, trong 5 phẩm chất, 10 năng lực theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có phẩm chất yêu nước, gắn với truyền thống của Đảng, gắn với những tấm gương của Đảng.Việc phát triển Đảng trong trường học là sự tất yếu cần thiết để dẫn dắt thế hệ trẻ tiếp tục sứ mệnh của Đảng. Do đó,phát triển đảng viên mới từ nguồn học sinh THPT là rất cần thiết và rất cấp bách để không bỏ lỡ những "hạt giống đỏ”.

Câu chuyện phát triển Đảng trong học sinh THPT ở Tuyên Quang: Chỉ tính riêng tại Trường THPT Chuyên Tuyên Quang, trong 2 nhiệm kỳ 2011 - 2015 và 2015 - 2020, Chi bộ nhà trường đã kết nạp được 40 đảng viên mới từ nguồn học sinh trong trường. Năm 2022, Đảng bộ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang đã kết nạp được 6 đảng viên từ nguồn là học sinh. Trường THPT Nguyễn Văn Huyên, thành phố Tuyên Quang chỉ trong 2 năm học (2020 - 2021 và 2021 - 2022), Đảng bộ nhà trường đã kết nạp được 15 đảng viên là học sinh...

Giải pháp tiên quyết là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các chi, đảng bộ trường học với công tác này. Từ sự quan tâm đúng mức, các nhà trường chú trọng tạo nguồn cho Đảng; triển khai kế hoạch phát triển đảng viên theo năm.

Một trong những giải pháp được họ thực hiện hiệu quả, đó là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh ngay từ khi các em vào trường học tập. Nhà trường đưa ra tiêu chí trong học tập và rèn luyện để học sinh nỗ lực; đồng thời, giao trách nhiệm cho các đảng viên, tổ chức Đoàn theo dõi, động viên học sinh để các em vươn lên đạt kết quả xuất sắc, đủ tiêu chuẩn được giới thiệu kết nạp Đảng.

Cùng với đó, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tham gia các lớp cảm tình Đảng, đặc biệt khâu thẩm tra, hướng dẫn viết lý lịch được giao đúng người để đạt hiệu quả cao nhất.

 Bài, ảnh: Thanh Ba

Đồ họa: Thành Trung