Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/6/2023 | 1:09:29 PM

YênBái - Sáng 5/6, sau khi nghe Tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã dự phiên thảo luận ở tổ cùng đại biểu các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Phước, Hòa Bình.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ sáng 5/6.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ sáng 5/6.


Tham gia vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Duy đánh giá cao Chính phủ đã chuẩn bị công cụ kỹ lưỡng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sau gần 10 năm thực hiện Luật nhà ở năm 2014. Đặc biệt, dự án luật này được chuẩn bị đồng thời với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 

Nhận thấy dự thảo luật lần này có bổ sung thêm về khái niệm nhà lưu trú công nhân như một loại hình nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho công nhân các khu công nghiệp, song đại biểu cho rằng khái niệm nhà lưu trú công nhân mà chỉ được giới hạn trong các khu công nghiệp thì không phù hợp. 

Nêu ví dụ sát với tỉnh Yên Bái là có nhiều nhà máy, nhiều dự án sản xuất công nghiệp tuy không nằm trong khu công nghiệp nhưng cũng có nhiều công nhân có nhu cầu nhà ở như: các dự án sản xuất xi măng thì thường gắn với vùng nguyên liệu, dự án thủy điện hay dự án các nhà máy may ở các khu vực nông thôn thì có nhiều lao động. Công nhân cũng có nhu cầu, có chỗ ở, nếu quy định cứng ở trong khu công nghiệp thì các trường hợp này sẽ không được điều chỉnh và cũng không có đủ cơ sở pháp lý để phát triển loại hình nhà ở này. 

Đại biểu Duy cho biết thêm, hiện nay trong Luật mới chỉ giới hạn là nhà lưu trú cho công nhân nhưng trong thực tế còn nhiều đối tượng cũng có nhu cầu sử dụng nhà lưu trú, ví dụ như giáo viên tại các trường ở vùng cao, là viên chức y tế công tác ở những cái địa bàn xa khu đô thị hay đối với học sinh, sinh viên nên đại biểu đề nghị là mở rộng thêm đối tượng nhà lưu trú bao gồm cho cả giáo viên, viên chức y tế, sinh viên, học sinh...

Quy định về yêu cầu về quản lý và phát triển nhà ở hiện nay, đại biểu cho biết trong dự thảo Luật quy định là khi phát triển các dự án xây dựng nhà ở tại đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua. Đối với các trường hợp khác tức là đô thị từ loại 4 trở xuống thì UBND tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định những vị trí phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua. 

Những vị trí được chuyển nhượng đất đã đầu tư hạ tầng cho người mua tự xây nhà, hay gọi là hình thức phân lô bán nền, thì quy định này thứ nhất là đang chưa phù hợp với quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); thứ hai là không phù hợp với các trường hợp đô thị loại III và kể cả đô thị loại II, gây khó khăn cho cả các chủ đầu tư và cho cả người dân trong việc tiếp cận nhà ở.

Nêu thực tiễn ở một số địa phương, các đô thị loại III, loại II ở khu vực miền núi, trong nhiều trường hợp, giá trị quyền sử dụng đất còn thấp hơn tiền xây nhà; nó khác với các đô thị đặc biệt hay đô thị loại I, giá trị quyền sử dụng đất lớn hơn rất nhiều tiền xây. Quy định phải xây nhà xong mới được bán thì phù hợp, nhưng đối với miền núi mà thực hiện như vậy thì giá trị bất động sản sẽ lên giá trị lớn và người dân khó tiếp cận. Rất nhiều người dân mong muốn là khi đã có tích lũy một phần về tiền thì có thể mua ở trên đất đã có hạ tầng sau nhiều năm tiếp tục tiết kiệm, tích lũy có tiền thì sẽ tự xây nhà ở theo quy hoạch và theo giấy phép được cấp có thẩm quyền cấp. Điều kiện này cũng tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản và tạo điều kiện cho nhà đầu tư không phải bỏ ra phần vốn quá lớn.

"Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung lại theo hướng là chỉ quy định bắt buộc đối với đô thị đặc biệt, đô thị loại I, còn đô thị loại II, loại III thì nên giao thẩm quyền cho UBND tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể, căn cứ theo quy hoạch đô thị, căn cứ theo định hướng phát triển đô thị để quyết định ở những vị trí nào bắt buộc phải xây dựng nhà ở rồi mới được chuyển nhượng và trường hợp nào là có thể chuyển nhượng đất khác có hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở” - đại biểu kiến nghị. 

Tại Điều 74 quy định các chính sách khác nhau về hỗ trợ nhà ở xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình đầu tư công về nhà ở và hỗ trợ tặng cho nhà ở hiện nay chỉ áp dụng đối với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, người có công nhưng chưa có quy định đối với hộ nghèo ở khu vực đô thị. 

Từ thực tế đối với các đô thị miền núi, địa bàn đặc biệt khó khăn, người dân có thể đang ở trong các thị trấn là đô thị loại 5, thậm chí có những trường hợp là ở các xã của thị xã, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng này. 

Đại biểu Đỗ Đức Duy phân tích: "Chúng ta đang xác định họ là người dân đô thị và họ đã có đất ở nhưng mà do là hộ nghèo nên không có tiền để xây nhà ở. Theo dự thảo Luật, các đối tượng là hộ nghèo khu vực đô thị sẽ được tiếp cận chính sách hỗ trợ về nhà và xã hội theo hướng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo dự án. Nhưng đối với các đô thị miền núi, các dự án nhà ở xã hội chưa có điều kiện phát triển nên vẫn phải áp dụng chính sách là hỗ trợ trực tiếp cho người dân đã có đất để cải thiện nhà ở như chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo hay chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia”. 

Thống nhất với ý kiến dự thảo Luật có sự giao thoa với các bộ luật khác như Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự hay Luật Kinh doanh bất động sản và một số nội dung chưa rõ trong các điều luật, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát và biên tập lại về mặt kỹ thuật lập pháp sao cho dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp cận, hạn chế tối đa việc phải đi tìm và dẫn chiếu nhiều điều luật khác nhau, thậm chí ở các bộ luật khác nhau.

Quang Tuấn - Hoàng Sâm (lược ghi)