Điểm tựa để doanh nghiệp phát triển

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ một hợp tác xã nhỏ bé, đến nay, HTX Mông Sơn đã trở thành một doanh nghiệp kinh doanh khai thác chế biến đá trắng và vận tải thuỷ bộ với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trực tiếp gần mười tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động có việc làm và thu nhập ổn định, nộp ngân sách hàng tỷ đồng...

Ban chủ nhiệm HTX kiểm tra sản xuất bột siêu mịn CaCO3.
Ban chủ nhiệm HTX kiểm tra sản xuất bột siêu mịn CaCO3.

Có nhiều nguyên nhân để Mông Sơn đạt được những thành tựu kể trên, nhưng không thể không nhắc đến sự đóng góp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Yên Bái (BIDV Yên Bái) - một đơn vị đã đồng hành với HTX trong suốt chặng đường dài phát triển. Ngay sau khi ra đời, Ban chủ nhiệm HTX đã xác định rõ yếu tố vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh là hết sức quan trọng; HTX không thể chỉ là mấy cái thuyền nhỏ, mấy cái xe cũ quanh quẩn đi làm thuê mà phải phấn đấu vươn lên khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của quê hương, làm giầu cho mình và cho đất nước. Để giải quyết bài toán vốn thì phải vay ngân hàng và lãnh đạo HTX Mông Sơn đã chọn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái làm "điểm tựa" cho mình vì đây là ngân hàng có nguồn vốn lớn, chính sách cho vay thông thoáng, đội ngũ cán bộ tín dụng tận tình. Thực tế cho thấy, không phải lúc nào, ở đâu, cán bộ tài chính, kế toán của doanh nghiệp cũng hiểu hết các quy định của ngành ngân hàng và lập được dự toán, phương án sản xuất kinh doanh đúng để được đầu tư cho vay. Khi chọn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái là nhà đầu tư, Mông Sơn đã tháo gỡ được khó khăn này. Ngân hàng đã làm tốt việc tuyên truyền, giải thích và tư vấn giúp đơn vị có được nguồn vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh với hàng chục lần vay vốn, tổng cộng số tiền cả chục tỷ đồng với các dự án khác nhau như mua sắm phương tiện thăm dò khai thác mỏ, mua sắm và nâng cao năng lực vận tải thuỷ bộ, xây dựng nhà xưởng... đều rất thuận lợi.

Năm 2006, năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Mông Sơn vì HTX xây dựng dự án mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng công suất lên gấp hai lần và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổng số vốn đầu tư của dự án lên đến trên 30 tỷ đồng, một khoản tiền không hề nhỏ, trong khi vốn góp của xã viên chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Vay ngân hàng là điều tất yếu nhưng theo quy chế của các ngân hàng vào thời điểm đó thì quy mô HTX chỉ được vay với số tiền 2 tỷ đồng. Việc đầu tư mở rộng sản xuất là rất cần thiết nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, trong đó coi trọng thị trường xuất khẩu trực tiếp. Trước tình hình đó, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái đã trực tiếp gặp gỡ Ban chủ nhiệm HTX, cử cán bộ nghiệp vụ xuống giúp đơn vị lập dự án đầu tư; báo cáo Ngân hàng cấp trên, xin ý kiến chỉ đạo để HTX Mông Sơn vay vượt quy chế. Kết quả, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã đồng ý giải ngân số vốn trên 15 tỷ đồng, giúp Mông Sơn có vốn kịp thời lắp đặt dây chuyền nghiền bột đá mịn và siêu mịn bằng công nghệ hiện đại. Dây chuyền công nghệ mới, công suất chế biến đá của Mông Sơn đạt 80 nghìn tấn sản phẩm/năm, tăng 2 lần so với trước, toàn bộ sản phẩm làm ra không đáp đủ nhu cầu của các khách hành trong nước và quốc tế, sản phẩm bột siêu mịn có giá bán gấp mười lần bán đá thô, doanh thu và số nộp ngân sách của đơn vị năm 2007 này chắc chắn sẽ gấp hai lần năm 2006... Đó thực sự là vinh dự, là niềm tự hào của HTX Mông Sơn và điều đó có được sự tin tưởng, sự hợp tác lâu dài với BIDV Yên Bái.

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, HTX Mông Sơn mong muốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nói chung và Chi nhánh Yên Bái nói riêng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kinh doanh phục vụ, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

Nguyễn Ngọc Chỉnh
(Chủ nhiệm HTX Mông Sơn)