Việt Nam - Điểm đến an toàn và hấp dẫn

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/4/2007 | 12:00:00 AM

Ông Phạm Từ - Phó Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, việc Việt Nam được nhiều công ty du lịch có tiếng quốc tế đánh giá là “một điểm đến an toàn và hấp dẫn nhất Đông Nam Á" sẽ là một lợi thế cho ngành du lịch Việt Nam phát triển và thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo "Du lịch Việt Nam - Hội nhập và Phát triển" tổ chức sáng 17/4 tại Hà Nội, ông Phạm từ cho rằng, những lợi thế về du lịch của Việt Nam còn là một cơ sở để ngành du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực; phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam đứng vào nhóm đầu bảng các quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực.

Theo ông Phạm Từ, mục tiêu của du lịch Việt Nam trong 5 năm tới là sẽ nhân đôi quy mô phát triển cả về lượng khách quốc tế, khách nội địa và thu nhập du lịch. Phấn đấu năm 2010, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa; thu nhập từ du lịch đạt 4,6 tỷ USD; huy động 5,5 tỷ USD vốn đầu tư phát triển, trong đó 1,5 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Năm 2006, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, tăng 3%, trong đó khách nội địa đạt 17,5 triệu lượt; thu nhập du lịch ước đạt 3,2 tỷ USD tăng 42% so với năm trước; tạo trên 1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Chí Dũng-Vụ trưởng Vụ Thương mại và Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngành du lịch cần xây dựng một số khu du lịch có "thương hiệu" mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế. Ngành cũng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách về du lịch, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật du lịch và hành lang pháp lý.

Ông Joe Mannix, Trưởng nhóm Du lịch - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ và tham gia nhiều hơn nữa vào các sự kiện hợp tác, tham vấn giữa Tổng Cục Du lịch và Nhóm Công tác Du lịch VBF. Theo ông Joe Mannix, thông qua các hình thức này sẽ thúc đẩy sự hiểu biết hơn nữa về những thách thức của thị trường du lịch cạnh tranh hiện nay, đồng thời tạo điều kiện để chia sẻ ý kiến nhằm nâng cao vị thế của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.

Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, từ 2,1 triệu du khách năm 2000 tăng lên 3,2 triệu người năm 2005; cùng thời điểm, lượng khách du lịch trong nước tăng từ 11,2 triệu người lên 15,5 triệu người. Thị trường du lịch không ngừng được mở rộng, cơ cấu du lịch được đa dạng hoá với nhiều sản phẩm phong phú, hấp dẫn hơn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo cũng như góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của đất nước.

Hội thảo lần này tập trung đề cập một số nội dung về tác động của du lịch trong tương quan với các ngành kinh tế; chiến lược khai thác tiềm năng và lợi thế tài nguyên du lịch và mối quan hệ giữa khai thác du lịch với công tác bảo tồn; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh du lịch có hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

(Theo TTXVN)