Mù Cang Chải: Làm gì để khai thác hiệu quả thế mạnh vùng cao?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và có nhiều cơ chế chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tạo được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân đã được nâng lên đáng kể.

Trường phổ thông cơ sở xã Chế Cu Nha huyện Mù Cang Chải mới được xây dựng, phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào vùng cao. (Ảnh: Hoài Nam)
Trường phổ thông cơ sở xã Chế Cu Nha huyện Mù Cang Chải mới được xây dựng, phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào vùng cao. (Ảnh: Hoài Nam)

Tuy nhiên, Mù Cang Chải vẫn chưa thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, sản xuất còn manh mún lạc hậu, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

Những khó khăn trong điều kiện tự nhiên, thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí còn hạn chế, tư duy sản xuất của nhân dân còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu... là những trở ngại trong phát triển kinh tế-xã hội. Để giải "bài toán" Mù Cang Chải, nhiều nhà kinh tế cho rằng phải giảm tỷ trọng nông-lâm nghiệp, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp lấy công nghiệp là chủ lực trong phát triển kinh tế!

Lời giải đó không sai nhưng đối với Mù Cang Chải thì chưa hợp lý, bởi lẽ sản xuất công nghiệp gì ở huyện vùng cao này, tiềm năng cũng như tài nguyên không phải lớn trong khi dân chưa đủ no, đường sá xa xôi cách trung tâm tỉnh gần 200 km? Quan trọng là làm sao phải đảm bảo bằng được an ninh lương thực tại chỗ, ổn định cuộc sống cho đồng bào. Dẫu có nhiều khó khăn nhưng Mù Cang Chải có lợi thế là đất đai chưa sử dụng còn nhiều, đất có khả năng đưa vào sản xuất nông-lâm nghiệp lớn, có nguồn lao động dồi dào…

Có một thực tế là Mù Cang Chải chưa tạo được bước đột phá trong sản xuất nông-lâm, người dân chưa áp dụng tiến bộ khoa học hiệu quả vào sản xuất, tư duy sản xuất còn lạc hậu, chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính. Phần lớn các thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp đều nằm trong các trương trình dự án có sự hỗ trợ về vốn, giống, phân bón và công tác khuyến nông. Người dân vẫn chưa nhận thức rõ lao động sản xuất là cho chính bản thân họ mà còn trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài. Các mô hình đã triển khai đều mang lại kết quả tốt song chỉ dừng lại ở mô hình, khi đem ra nhân rộng thì không mang lại kết quả như mong muốn.

Giải quyết những tồn tại, bất cập nêu trên, Mù Cang Chải đã đề ra giải pháp: tăng cường khai hoang diện tích lúa nước, tăng diện tích gieo cấy vụ đông xuân trên đất ruộng một vụ lên 1.000 ha/ 4.000 ha ruộng; đưa giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao vào gieo cấy cùng với tăng mức đầu tư thâm canh, áp dụng mùa vụ hợp lý tăng năng suất phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt trên 20.000 tấn; không ngừng chuyển giao khoa học kỹ thuật tới người dân bằng phương pháp ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu; diện tích tăng vụ đưa cây đậu tương vào gieo trồng, trồng hai vụ ngô (xuân hè-thu đông) trên diện tích trồng ngô hiện có để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa hình thành vùng sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung, trọng tâm vào những cây trồng có thế mạnh và phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương.

Thực tế ở Mù Cang Chải, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa hiệu quả. Như cây đậu tương đã được khẳng định trên đồng ruộng nơi đây song vẫn chưa được đẩy mạnh phát triển để trở thành sản xuất hàng hóa. Chỉ cần đưa vào trồng từ 800 - 900 ha thì sản lượng cũng đạt trên 1.000 tấn, bán với giá thị trường thì nguồn thu từ đỗ tương cũng đạt trên 5 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ!

Cây chè Shan đã được trồng và chè Púng Luông đã được người tiêu dùng chấp nhận. Diện tích chè đã trồng trên địa bàn là 1.653 ha, song việc đầu tư chăm sóc kém nhiều cây bị chết, một phần diện tích trồng phân tán dẫn đến chỉ có chưa đầy 600 ha cho thu hoạch, năng suất chỉ 1,2 tạ/ha nên không phát huy hiệu quả. Huyện chỉ cần ổn định ở diện tích đã và đang cho thu hoạch, rồi tập trung trồng dặm đảm bảo mật độ 3000 cây/ha, đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất, đưa sản lượng đạt 500-600 tấn; đầu tư xây dựng nhà máy chè xanh tuyết Shan với thương hiệu Mù Cang Chải chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao.

Cây sơn tra là một thế mạnh, có thể phát triển tạo vùng nguyên liệu chế biến... Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá; kết hợp giữa trồng rừng với trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt tập trung; giao khoán hết diện tích rừng cho thôn, bản, hộ dân khoanh nuôi bảo vệ kết hợp trồng rừng kinh tế.

Những hướng đi đó không mới nhưng đi vào làm cụ thể đòi hỏi Mù Cang Chải phải có những chỉ đạo tích cực và cách làm bài bản, chắc ăn trên mỗi diện tích canh tác. Được như vậy, chắc chắn thành công.

Mấu chốt là cán bộ, người dân vùng cao cần thay đổi tư duy trong làm kinh tế, không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước mà hãy lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất cho chính mình và gia đình mình! Làm được như vậy, Mù Cang Chải sẽ phát huy được thế mạnh về đất đai, lao động, nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo, từng bước thoát ra khỏi huyện đặc biệt khó khăn.

Ngọc Trúc