Báo Đáp: Nông dân cấy lúa thành... cỏ cho trâu !

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những ngày đầu tháng 6, khắp các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân. Mặc dù vụ đông xuân năm 2006-2007 gặp nhiều khó khăn về thời tiết, sâu bệnh nhưng năng suất vẫn đạt khá.

Vụ đông xuân năm 2006 - 2007, Báo Đáp đạt năng suất bình quân 48 tạ/ha.
Vụ đông xuân năm 2006 - 2007, Báo Đáp đạt năng suất bình quân 48 tạ/ha.

Tuy nhiên, nhiều nông dân ở xã Báo Đáp (Trấn Yên), Đại Phác, An Thịnh (Văn Yên), Minh Xuân (Lục Yên)... lại đang lao đao vì năng suất chỉ đạt 40-50 kg/ sào, có nơi mất trắng, Nông dân không muốn gặt, trâu, bò cũng chẳng buồn ăn.

Chúng tôi đến Báo Đáp đúng vào thời điểm người dân đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân. 80% diện tích của xã đã thu hoạch xong. Trên cánh đồng, người nông dân hối hả với công việc gặt hái, chuẩn bị đất làm vụ mùa.

 

Theo nhiều người dân, mặc dù thời tiết năm nay có nhiều bất lợi, nhưng năng suất lúa vẫn đạt khá, 48 tạ/ha. Tuy nhiên đó là năng suất của các giống lúa chất lượng cao như: Chiêm hương, Thiên hương, HT1 và các giống lúa lai, lúa thuần: Nhị ưu 838, 63, TH 3-3, VL 20... Còn một số hộ dân khác mua giống TH 3-4 thì hầu như mất trắng. Bà Nguyễn Thị Thanh, tổ 14 cho biết: “Gia đình chỉ có một sào ruộng, vụ này không thu hoạch được gì, lúa đã cho người khác cắt làm cỏ cho trâu”. Được biết, bà Thanh đã mua giống của một đại lý bán lẻ lúa giống của xã (không phải đại lý uỷ quyền của Trạm giống Trấn Yên). Giống bà Thanh định mua là giống lúa lai TH3-3, là giống lúa cho năng suất rất cao đã được trồng thử nghiệm ở Báo Đáp nhiều vụ, đến cuối năm 2005 mới triển khai trồng đại trà. Sau khi đưa vào gieo cấy bà Thanh mới biết đây không phải giống TH3-3 mà là giống TH3-4, cả hai giống này đều do Công ty cổ phần Giống cây trồng Hải Phòng cung cấp cho một số đại lý bán lẻ ở Yên Bái.

 

Tiếp tục tìm hiểu sự việc, chúng tôi tìm đến bà Nguyễn Văn Bình (tên của bà) - chủ đại lý bán lẻ lúa giống, tổ 14. Bà cho biết: “Tôi có nhập về một số lượng giống lúa TH3-3 để bán cho dân. Từ nhiều năm nay giống này không có vấn đề gì về năng suất. Tuy nhiên, vụ đông xuân vừa qua tôi phát hiện ra trong số lúa giống nhập về có một bao 40 kg không phải giống TH3-3, chỉ khi bán được gần hết mới biết đây là giống TH3-4. Đây là giống chưa bao giờ được cấy ở xã, tuy nhiên khi gọi điện cho đại lý cấp 1 thì được giải thích là giống TH3-4 và giống TH 3-3 gần như là một loại, không có vấn đề gì. Vì thế tôi vẫn tiếp tục bán cho người dân. Có người nghe thấy giống mới còn đòi mua bằng được nhưng tôi chỉ có 40 kg”. Như vậy không chỉ bà Thanh mà còn 19 hộ nông dân khác đã mua phải giống TH3-4, với số lượng 40 kg cấy trên diện tích 2,2 ha. Ngoài đại lý của bà Thanh, ở Báo Đáp còn có đại lý của bà Hoa tổ 14 cũng bán giống TH3-4 cho một số nông dân ở các xã giáp ranh của huyện Văn Yên.

 

Ông Phùng Ngọc Hải- Phó chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: “Trong kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2006-2007 cơ cấu giống của xã không có loại TH3-4, xã cũng chưa hề biết gì vế giống lúa này. Trong khi triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ đông xuân, xã đã yêu cầu nhân dân đăng ký giống với xã để đề nghị với Trạm giống huyện cung ứng, việc cung ứng giống được thông qua 3 đại lý uỷ quyền của xã, người dân tự ý mua giống ở bên ngoài xã không kiểm soát được”.

 

Theo ông Hải, trong khi triển khai sản xuất xã thường xuyên kiểm tra việc cung ứng giống của các đại lý để đảm bảo cung ứng giống đúng theo kế hoạch. Còn các đại lý bán lẻ khác không được ủy quyền của Trạm Giống huyện cũng vẫn phải bán giống đúng theo cơ cấu giống của xã. Ngay sau khi thu hoạch, những diện tích gieo cấy giống TH3-4 chỉ đạt năng suất 40kg/ sào, nhiều hộ có 2-3 sào nhưng đều cấy giống TH3-4 nay đang có nguy cơ phải đong gạo tới hết năm, thậm chí bị đói.

 

Được biết vừa qua Công ty Giống cây trồng Hải Phòng đã gặp và thoả thuận với một số hộ dân ở Báo Đáp và đền bù thiệt hại cho mỗi sào cấy giống TH3-4 là 200.000 đồng. Việc đền bù này so với thiệt hại của người nông dân thì chẳng thấm vào đâu. Nghiêm trọng hơn, giống TH3-4 còn được mua và gieo cấy rải rác ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Việc một công ty cung ứng giống lại bán giống hoàn toàn mới chưa hề được khảo nghiệm tại Yên Bái cho nông dân là vô trách nhiệm, thiếu tính khoa học. Mặt khác cho thấy việc quản lý, kiểm soát cung ứng giống của chính quyền cơ sở còn lỏng lẻo, thiếu sâu sát.

 

Qua sự việc này, chính quyền các địa phương cần quan tâm nhiều hơn tới khâu quản lý giống, tránh thiệt hại cho người nông dân. Người nông dân cũng cần cảnh giác hơn với các loại giống mới khi chưa có căn cứ khoa học chứng minh bởi bài học “cấy lúa thành cỏ cho trâu” như Báo Đáp đã là một thực tế quá rõ ràng.

 

Anh Dũng