Mù Cang Chải: Đẩy mạnh công tác quy hoạch đất

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mù Cang Chải có tốc độ tăng dân số hàng năm trên 2%, tạo ra sức ép lớn lên đời sống kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái. Trong 4 tháng đầu năm 2007 xảy ra 12 vụ cháy rừng gây thiệt hại 580 ha rừng nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu lấy đất để sản xuất, chăn nuôi. Cũng theo báo cáo của cơ quan tư pháp, trong các vụ tranh chấp dân sự thì 2/3 số vụ liên quan đến đất đai.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Một thực tế đang tồn tại trong cộng đồng người dân nơi đây là quyền sử dụng đất được áp dụng theo "lệ làng", mua bán đất thực hiện theo phương thức truyền khẩu. Thói quen luân canh nương tồn tại phổ biến trong nhân dân. Có những mảnh đất bỏ hoang hàng chục năm, thậm chí vài chục năm, khi có người đến khai phá để sản xuất, người chủ cũ lại ngăn cản dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện và phải nhờ đến pháp luật can thiệp. Quá trình giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, đất tranh chấp không có cơ sở pháp lý mà chỉ dựa vào lời nói.

 

Trước thực tế đó, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVI xác định: Quy hoạch lại các diện tích đất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ cần tập trung thực hiện, nhằm giải quyết triệt để các vụ tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về mặt pháp lý; phát huy các thế mạnh của vùng, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo.

 

Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã xây dựng chương trình hành động về quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phấn đấu đến năm 2010 quy hoạch xong đất sản xuất, đất chăn nuôi, đất trồng cây lâu năm và một phần đất lâm nghiệp; đến 2015 quy hoạch hoàn chỉnh các loại đất.

 

Quá trình quy hoạch được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu thực hiện thí điểm ở xã La Pán Tẩn với diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông lại thường xuyên xảy ra tranh chấp đất đai. Xã Nậm Có diện tích tự nhiên lớn, công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém, dẫn đến tình trạng di dịch cư diễn biến phức tạp; sau khi thực hiện thí điểm xong sẽ triển khai đồng bộ trong toàn huyện.

 

Với quan điểm chỉ đạo mọi người dân làm nông nghiệp đều có đất sản xuất, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh tới tận các thôn bản, giúp người dân nhận thức đúng đắn về chính sách quy hoạch đất đai ở vùng cao; tổ chức các cuộc tiếp xúc, vận động già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ thực hiện dồn điền đổi thửa, người có nhiều đất chuyển nhượng lại một phần cho hộ thiếu đất, Nhà nước hỗ trợ kinh phí; thành lập ban chỉ đạo ở cả hai cấp: cấp huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai; cấp xã tổ chức thực hiện và thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện.

 

Đến nay, toàn huyện đã cấp 9.522 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, 435 sổ đất lâm nghiệp, 818 sổ đất khu dân cư và đô thị, với tổng diện tích 13.577,78 ha.

 

Quy hoạch đất không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn tạo sự ổn định về chính trị, xã hội, giải quyết triệt để tình trạng di dịch cư, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng trên địa bàn. Quy hoạch đất phải gắn với hình thành các vùng chuyên canh, huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư khai thác, phát huy lợi thế của vùng. Thực hiện tốt dân số kế hoạch hóa gia đình kết hợp với xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi, hệ thống trường, trạm, chợ, khu dân cư… từng bước hình thành các trung tâm kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao.

 

Hoàng Hải Lăng