Giáo sư, tiến sĩ Vũ Ngọc Hùng- người con ưu tú của quê hương Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/2/2024 | 1:58:16 PM

YênBái - Hơn 40 năm gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội, hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; tác giả 3 bộ sách giáo trình và sách chuyên khảo về đào tạo được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học; công bố 162 bài báo khoa học, trong đó 82 bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Đó chính là Giáo sư, tiến sĩ Vũ Ngọc Hùng- nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật và Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng là người con ưu tú của quê hương Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.

GS.TS Vũ Ngọc Hùng tận tình hướng dẫn sinh viên.
GS.TS Vũ Ngọc Hùng tận tình hướng dẫn sinh viên.


Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Vũ Ngọc Hùng sinh ngày 10/10/1955 trong một gia đình nhà giáo có truyền thống hiếu học và tinh thần yêu nước tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái. 

Ham học và nỗ lực vượt khó vươn lên, năm 1973, sau khi tốt nghiệp Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ, ông đã được Nhà nước gửi sang học tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinhốp (Liên Xô cũ), ngành Vật lý bán dẫn. Từ năm 1979, sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, ông về công tác ở Viện ITIMS, Đại học Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh say mê và dành nhiều công sức cho nghiên cứu khoa học, GS.TS Vũ Ngọc Hùng luôn nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. 

GS.TS Vũ Ngọc Hùng quan niệm rằng, ngoài đào tạo đại học thì đào tạo sau đại học là rất cần thiết để xây dựng một đội ngũ nhà khoa học mạnh. Gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội hơn 40 năm, GS.TS Vũ Ngọc Hùng đã đứng trên bục giảng, giảng dạy và hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. 

GS.TS Vũ Ngọc Hùng tâm sự: "Đã đứng trên bục giảng thì phải hết lòng thương yêu sinh viên, làm hết trách nhiệm của người thầy, làm tròn bổn phận của người đi trước với người đi sau”. 

Trong quá trình công tác tại trường, GS.TS Vũ Ngọc Hùng đã hướng dẫn thành công 22 luận văn thạc sĩ và 5 luận án tiến sĩ, trong đó có sinh viên Nguyễn Quang Long do GS.TS hướng dẫn đã đạt giải Nhất giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

GS. TS Vũ Ngọc Hùng cho biết: "Để phục vụ công tác đào tạo, tôi đã viết và xuất bản 3 bộ sách giáo trình và sách chuyên khảo gồm: "Men áp điện vật liệu và linh kiện”; "Công nghệ vi hệ thống cơ điện tử”; "Quang điện tử và thông tin quang sợi”. Đặc biệt, cuốn giáo trình "Công nghệ vi hệ thống cơ điện tử” (Micro Electro Mechanical Systems - MEMS) xuất bản năm 2016, là một lĩnh vực đa ngành liên quan đến sự tích hợp của các cấu kiện vi cơ với mạch tích hợp vi điện tử, là lĩnh vực công nghệ cao đang được Nhà nước quan tâm phát triển. Cuốn sách "Công nghệ vi hệ thống cơ điện tử” được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học trong nước nhiều năm qua…”. 

Với bề dày nghiên cứu, GS.TS Vũ Ngọc Hùng đã công bố 162 bài báo khoa học, trong đó có 30 bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và 52 bài báo ISI & Scopus đăng trên các tạp chí quốc tế. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn từ tháng 6/2006 đến tháng 10/2015, GS.TS Vũ Ngọc Hùng còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quản lý với các cương vị Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật và Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Đại học Bách khoa Hà Nội. Qua đó, GS.TS. Vũ Ngọc Hùng cùng với các cán bộ trong Viện không ngừng nỗ lực xây dựng Viện ITIMS thành cơ sở đào tạo sau đại học chất lượng cao và cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. 

Những cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục ở cả trong nước và quốc tế, cuối tháng 12/2023, GS.TS Vũ Ngọc Hùng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú”. Đó là những phần thưởng vô cùng quý giá và đối với GS.TS Vũ Ngọc Hùng. Điều làm ông hạnh phúc nhất đó là đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò thành tài và tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự nghiệp "trồng người”. Ông trở thành tấm gương nghiên cứu khoa học và đào tạo của đất nước và là niềm tự hào của quê hương Yên Bái.  

Vũ Đồng