Đào Xuân Thiêm - người vun đắp tình yêu thể thao cho cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2024 | 7:50:05 AM

YênBái - “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì, em biết không?”. Mỗi khi ngân nga câu hát này tôi lại nhớ đến ông Đào Xuân Thiêm ở khu dân cư Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) - người đã và đang lặng thầm sử dụng hàng nghìn mét vuông đất và kính phí của gia đình để xây dựng các sân thể thao cho cộng đồng. Tấm lòng thảo thơm của ông Thiêm đã góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng, rèn luyện thân thể ở địa phương.

Ông Đào Xuân Thiêm thăm hỏi, động viên các vận động viên Đội tuyển bóng đá nhi đồng tỉnh Yên Bái khi tới tập luyện trên sân thể thao của gia đình.
Ông Đào Xuân Thiêm thăm hỏi, động viên các vận động viên Đội tuyển bóng đá nhi đồng tỉnh Yên Bái khi tới tập luyện trên sân thể thao của gia đình.

Hành trình vì cộng đồng

Đã hẹn trước, đúng 17h, chúng tôi có mặt tại khu thể thao cộng đồng của gia đình ông Đào Xuân Thiêm nằm sâu trong khu dân cư Phúc Xuân. Dù mới đến lần đầu nhưng chúng tôi không phải mất công tìm kiếm hay hỏi thăm, bởi tới gần nơi tiếng bóng lăn xen tiếng hò reo cổ vũ trên các sân thể thao náo động cuối con ngõ nhỏ như tiếng báo hiệu, chào mời. Vừa dừng xe, một người đàn ông với dáng hình cao, nước da ngăm đen vồn vã chào đón chúng tôi. Phong thái nhanh nhẹn, khỏe khoắn của ông khiến ai nấy đều bất ngờ không nghĩ rằng ông chính là nhân vật đã 75 tuổi của buổi hẹn gặp. Có lẽ nhận ra trong ánh mắt mỗi người đâu đó sự tò mò, ông Thiêm bắt tay rồi niềm nở giới thiệu chắc nịch về bản thân: "Các bạn không nhầm đâu, tôi là Thiêm đây! Nào vào đây, tôi dẫn mọi người đi tham quan các sân thể thao”. 

Qua lời giới thiệu của cán bộ thể thao cơ sở trước khi đến, chúng tôi được biết sơ qua về ông Thiêm cũng như các sân thể thao do ông cùng gia đình xây dựng nhưng khi tận mắt thấy thì không khỏi ngỡ ngàng về quy mô, sự đầu tư, tính chuyên nghiệp ở đây. Đi tới đâu ông Thiêm hào hứng giới thiệu tới đấy, nào là sân bóng đá diện tích tiêu chuẩn, hệ thống lưới che, điện sáng; nào là sân bóng chuyền hơi mái che; nào là sân pickleball. 

Kể về hành trình xây dựng sân chơi thể thao cho cộng đồng của mình, ông Thiêm chia sẻ rằng: "Xưa, khi còn trẻ đang công tác trong ngành cơ khí của tỉnh, tôi đã đam mê thể thao, chơi rất nhiều môn. Tới khi nghỉ hưu thì tinh thần, niềm đam mê thể thao không vơi mà còn mãnh liệt hơn, bởi có nhiều thời gian để tập luyện. 

Hồi mới nghỉ hưu, tôi ở bên phường Hồng Hà. Thời điểm năm 2017, phong trào thể thao quần chúng được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, nhất là phong trào chơi bóng chuyền hơi nở rộ khắp nơi. Tuy nhiên, như ở tổ dân phố 32 tôi sinh sống khi ấy vẫn thiếu sân cho mọi người tập luyện. Trăn trở bao ngày, tôi đã bàn với gia đình, sau khi được gia đình ủng hộ tôi đề xuất với tổ dân phố, với phường để được bỏ ra 150 triệu đồng ủng hộ làm 3 sân bóng chuyền hơi cho mọi người tập luyện”. 

Gắn bó, ủng hộ cho thể thao cộng đồng phường Hồng Hà đến năm 2020, gia đình ông Thiêm chuyển về khu dân cư Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc. Tại đây, hành trình cống hiến vì thể thao cộng đồng của ông lại tiếp tục. Năm 2021, ông khởi công làm sân bóng chuyền hơi có mái che diện tích 200 m2. Một thời gian sau, thấy mọi người rủ nhau đến chơi đông hơn, nhu cầu chơi nhiều hơn 1 sân không đáp ứng đủ, ông làm thêm 2 sân bóng chuyền ngoài trời diện tích gần 200 m2 mỗi sân, 1 sân bóng đá cho trẻ em diện tích gần 700 m2. Đến năm 2024, với sự du nhập môn thể thao mới pickleball, ông dành thêm 2 mảnh đất của gia đình và đầu tư kinh phí đổ bê tông 2 sân với diện tích gần 100 m2 mỗi sân.

Nhìn hệ thống các sân thể thao, cơ sở vật chất hoàn chỉnh từ lưới bóng, mặt sân, hệ thống điện chiếu sáng, bãi xe, quạt mát, có thể thấy đây là cả một hành trình tâm huyết của ông Thiêm. Để làm được những công trình vì cộng đồng như này, trong đầu chúng tôi nảy lên những con số không nhỏ. Như nhìn thấu ý nghĩ, ông Thiêm bộc bạch chân tình: "Vợ chồng tôi cũng là cán bộ bình thường, nghỉ hưu nhưng tôi đam mê thể thao, muốn tạo sân chơi cho mọi người nên đã bàn với vợ, các con trai, gái, dâu, rể để dành phần đất của gia đình làm sân thể thao cho mọi người chơi. Tiền để xây dựng thì được bỏ ra từ số tiền lương hưu của 2 vợ chồng tiết kiệm, con cái cũng ủng hộ thêm. Đặc biệt, mấy sân làm sau tôi làm đều nhận được sự ủng hộ khoảng 20 - 30% kinh phí từ một số nhân dân khu phố, cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm trên địa bàn thành phố”.  
   
Cho đi để nhận lại

Chứng kiến các sân thể thao do tự tay mình xây dựng được bà con nhân dân trân trọng, nhiệt tình hưởng ứng, ông Thiêm thành thật: "Tôi luôn tâm niệm cho đi để nhận lại. Nhận lại ở đây không phải tiền của vật chất mà chính là niềm vui, tình cảm của mọi người. Tuổi già hàng ngày được thấy ai nấy đều chăm chỉ tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe là niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được. Tôi chỉ mong tất cả đều có đời sống vui vẻ, khỏe mạnh để lao động, sản xuất ngày càng hiệu quả. Nhất là lớp trẻ, việc rèn luyện thể thao sẽ giúp hướng tới lối sống lành mạnh, tránh xa cám dỗ, tệ nạn xã hội”. 

Đang định tiếp lời thì ông Thiêm dừng lại, vì nhóm trẻ con sau khi đá bóng ùa đến xin đi bơi. Những tiếng nhao nhao "Ông ơi, nay ông cho con tắm bể bơi nhé”, "Ông ơi, con hứa sẽ giữ sức chỉ bơi một tí thôi…” kèm ánh mắt háo hức mong chờ nhìn về phía ông. Được sự đồng ý của ông, tất cả nhảy cẫng lên, như đàn ong vỡ tổ ùa đi. 

Vừa kéo chúng tôi đi theo đám trẻ, ông Thiêm vừa phân trần: "Gia đình tôi còn có một bể bơi. Đây là các cháu trong Đội tuyển bóng đá nhi đồng của tỉnh chuẩn bị đi thi đấu giải quốc gia ở Bắc Giang. Nhà Thi đấu của tỉnh đang được xây dựng lại nên các cháu ra đây tập luyện. Sau buổi tập, tôi vẫn cho các cháu bơi 15 phút cho mát. Các cháu biết bơi cả nhưng mình cứ phải cẩn thận canh chừng, phòng trường hợp rủi ro”. 

Câu chuyện của chúng tôi với ông Thiêm lại một lần nữa bị gián đoạn khi có mấy phụ huynh dẫn con đến bơi. 

Qua trò chuyện, chúng tôi biết thêm: thì ra bể bơi của gia đình ông Thiêm còn là nơi các phụ huynh quanh khu vực tin tưởng gửi gắm con, cháu để ông dậy bơi mỗi khi hè về. Hơn thế nữa, hàng ngày trên mỗi sân thể thao gia đình ông Thiêm còn luôn để sẵn đầy đủ nước mát phục vụ mọi người đến chơi. Thường xuyên cho con đến chơi bóng đá và bơi tại khu thể thao của gia đình ông Thiêm, anh Nguyễn Thanh Xuân ở tổ dân phố Nam Thọ, phường Nam Cường bộc bạch: "Cách đây vài năm, qua lời giới thiệu của bạn bè, tôi biết đến khu thể thao của gia đình ông Thiêm. Nhà tôi đến đây cũng không xa, tôi và các con thường xuyên đến chơi. Ông Thiêm quan tâm, hỏi han, nhiệt tình với tất cả mọi người. Nhiều hôm tôi bận chỉ đưa cháu đến bơi rồi chạy đi có việc vẫn yên tâm, bởi cứ có trẻ con bơi là ông Thiêm hoặc người nhà lại đứng trông rất cẩn thận”.

Sau buổi tới nhà ông Thiêm hôm ấy, vài ngày sau, tình cờ trong một chuyến công tác chúng tôi may mắn gặp gỡ lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Nghe kể về việc chúng tôi được cán bộ văn hóa cơ sở giới thiệu đến tìm hiểu về ông Thiêm để viết bài, đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vui mừng chia sẻ thêm: "Một người hết lòng vì thể thao quần chúng như ông Thiêm thật sự hiếm có. Năm nào ông Thiêm cũng tự bỏ kinh phí ra tổ chức 1 - 2 giải thể thao và trao giải, khen thưởng cho các đội thi đấu. Nhiều năm nay, ông Thiêm luôn đồng hành, ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho các giải thể thao Yên Bái, nhất là ủng hộ, theo sát đội bóng đá nhi đồng tỉnh từ khi tập luyện tới khi đi thi đấu ở các tỉnh bạn”.

Tất cả những điều được mắt thấy, tai nghe chúng tôi không khỏi xúc động trước tấm lòng vì cộng đồng của ông Đào Xuân Thiêm. Tiếp xúc với ông, có thể cảm thấy rõ ngọn lửa nhiệt tình lan tỏa từ trái tim của một con người nồng ấm. Với những cống hiến của ông Thiêm, năm 2021, ông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Kỷ niệm chương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Lê Thương