Điển hình là mô hình của hộ anh Phạm Quang Thọ ở Bản Thái, xã Khao Mang. Với sự nhạy bén về tư duy, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau xanh an toàn không chỉ trong hay ngoài tỉnh đều rất lớn mà địa phương lại vốn đang có thế mạnh về đất đai rộng rãi, nguồn nhân lực rồi rào và quan trọng là thời tiết khí hậu mát mẻ phù hợp cho phát triển trồng rau màu, bởi vậy, anh Thọ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, lắp đặt hệ thống tưới tiêu để trồng rau chất lượng cao với tổng diện tích là 30 ha. Trong đó, diện tích hiện đã được anh trồng xong rau màu là hơn 16 ha với các loại rau chủ yếu như su su, bí đỏ, rau cải, bắp cải, hành, cà chua, ngô ngọt, dưa chuột...
Anh Phạm Quang Thọ chia sẻ: "Hiện nay, do chưa phải mùa thu hoạch chính, nhiều loại rau vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên bình quân gia đình mới đang cho thu hoạch khoảng 5 tấn sản phẩm các loại/ngày. Nếu vào chính vụ, dự kiến cho thu hoạch trên 10 tấn sản phẩm/ngày và tạo việc làm liên tục cho 50 lao động quanh năm. Sản phẩm của gia đình ngoài phục vụ tại địa bàn huyện thì chủ yếu xuất về các thành phố: Vĩnh Phúc, Việt Trì, Hà Nội...”.
Khác với hộ anh Thọ, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy lãi tái đầu tư nên với 6 ha đất đã thuê được, anh Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải ở xã Nậm Khắt đã chuyển 3 ha sang trồng rau màu ngắn ngày để lấy vốn tái đầu tư xây dựng nhà xưởng trồng nấm. Sau gần 3 năm hoạt động, hiện nay, ngoài trồng nấm, Công ty vẫn luôn duy trì 3 ha diện tích trồng các loại rau màu theo mùa liên tục trong năm.
Anh Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: "Hiện tại, 3 ha đất trồng màu của Công ty đang trồng cà chua đã thu hoạch được khoảng trên 70%, sản lượng đạt trên 30 tấn, ước tính thu hết mùa sẽ đạt trên 40 tấn. Sau thu hoạch, tôi dự tính sẽ tiếp tục trồng thêm một vụ cà chua nữa để thu hoạch vào mùa thu rồi mới chuyển sang trồng rau cải mầm đá để thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán năm 2025. Hiện tại Công ty duy trì các diện tích trồng rau màu ngắn ngày không chỉ vì hiệu quả kinh tế mà còn nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu hữu cơ từ phôi nấm sau khi thải để làm phân bón, tạo nên vòng toàn hoàn khép kín, vừa không lãng phí, vừa bảo vệ môi trường”…
Được biết, từ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, hàng năm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động cho nhân dân gieo trồng các loại cây màu như: khoai lang, sắn, đậu, lạc, dưa chuột, bí... với tổng diện tích hơn 500 ha/năm cùng hàng trăm héc-ta rau các loại trồng tại các hộ gia đình để phục vụ sinh hoạt gia đình và xuất bán ra thị trường.
Cùng đó, cũng đã có nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư trồng rau màu sạch thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP điển hình như: mô hình của Hợp tác xã (HTX) Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp huyện Mù Cang Chải có quy mô 0,7 ha; mô hình của HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải với hơn 2 ha sản xuất rau theo hướng hữu cơ; mô hình của HTX Nông nghiệp sạch T&D hơn 2 ha...
Ông Hoàng Văn Hân - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: "Rau màu là sản phẩm thiết yếu ngoài xuất ra thị trường thì liên quan trực tiếp đời sống hàng ngày của người dân. Bởi vậy, phát triển rau màu luôn được ngành nông nghiệp huyện chú trọng định hướng và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mở rộng diện tích theo hướng sản xuất sạch, an toàn, chất lượng cao, đảm bảo phục vụ tốt đời sống người dân tại chỗ và nhất là phục vụ du khách khi đến với Mù Cang Chải”.
Phát triển cây rau màu theo hướng an toàn đang là hướng đi hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Mù Cang Chải. Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương cũng cần tích cực chuyển đổi tư duy, nắm bắt kỹ thuật, quy trình sản xuất cơ bản trong việc trồng, chăm sóc, thu hái, phòng trừ sâu bệnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước tạo dựng các cơ sở sản xuất rau màu an toàn theo phương châm nói không với thực phẩm bẩn.
A Mua