Thị xã Nghĩa Lộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị canh tác

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/7/2024 | 1:49:53 PM

YênBái - Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi đất lúa và cây trồng vùng gò đồi kém hiệu quả sang cây trồng khác có năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao hơn.

Nông dân xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra sinh trưởng và phát triển của cây dưa hấu trồng trên diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả.
Nông dân xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra sinh trưởng và phát triển của cây dưa hấu trồng trên diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả.

Gia đình bà Hoàng Thị Thủy, thôn Bản Kinh, xã Thanh Lương có diện tích 2.000 m2 là chân ruộng 2 vụ lúa nước. Nằm ở vị trí cao nên năm nào mưa gió thuận hòa thì cấy dược 2 vụ lúa và 1 vụ trồng màu, nhưng mấy năm nay hạn hán nghiêm trọng không thể cấy lúa. Năm 2020, gia đình bà Thủy chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng dưa hấu, dưa lê. 

Sau 4 năm chuyển đổi, bà Thủy cho biết: "Trồng dưa cho thu nhập cao hơn lúa từ 4 - 5 lần, bình quân 1 ha cho thu nhập khoảng 80 - 100 triệu đồng/vụ, 1 năm trồng được 2 vụ, đến vụ đông vẫn trồng được cây rau màu. Cây dưa hấu, dưa lê có thể chịu hạn được nên việc canh tán khá yên tâm”.

Năm 2013, sau khi có dự án trồng thanh long ruột đỏ của huyện Văn Chấn triển khai thí điểm tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (thời điểm này thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chưa sáp nhập về thị xã Nghĩa Lộ), anh Trần Bá Đức, thôn 8 mạnh dạn đăng ký để chuyển đổi diện tích vườn đồi kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Từ 60 gốc thanh long ban đầu, đến nay, anh  đã có hơn 600 gốc, mỗi năm thu gần 4 tấn quả và trừ chi phí còn cho thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ vậy, với diện tích đất hơn 1,5 ha, anh Đức phát triển thêm các loại cây ăn quả khác: mận, vú sữa Hoàng kim, ổi, na… 

Anh Đức chia sẻ: "Nếu chỉ tập trung chuyên canh một loại cây trồng thì hiệu quả kinh tế không cao vì mỗi cây trồng có chu kỳ phát triển riêng. Vì vậy, tôi trồng nhiều nhiều loại cây ăn quả để có thu hoạch quanh năm khi hết loại quả này sẽ có loại quả khác. Nếu trước đây tôi chuyên canh thanh long thì thu nhập chỉ dừng lại ở mức 100 triệu đồng tiền lãi thì bây giờ mỗi năm tôi có thể thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng”. Chủ trương chuyển đổi đất lúa, đất gò đồi, soi bãi canh tác kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được xã Nghĩa Lộ thực hiện từ năm 2013 và phát triển rộng khắp tại 100% thôn, tổ trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, xã có khoảng 245 ha cây ăn quả các loại; trong đó, khoảng 200 ha cho sản phẩm và năm 2023 sản lượng quả ước đạt 623 tấn, thu nhập bình quân mỗi năm trên 12 tỷ đồng. 

Ông Hoàng Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ cho biết: "Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân 1 ha đạt 160 triệu đồng/năm, xã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí phụ trách các thôn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác với chủng loại cây trồng đa dạng, phong phú tạo thu nhập quanh năm theo từng mùa vụ của mỗi loại cây trồng. Cùng đó, xã cũng chỉ đạo các hộ dân hình hành nhóm hộ, tổ hợp tác hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất; tăng cường liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho nông dân để bà con yên tâm phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng”. 

Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, gò, đồi kém hiệu quả, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã ban hành kế hoạch thực hiện, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân. Theo đó, năm 2024, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi gần 45 ha gồm diện tích đất trồng lúa, vườn, gò, đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao: dưa hấu, dưa lê, mắc ca, thanh long, na, mận... 

Bà Quản Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Căn cứ trên kế hoạch của UBND thị xã, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, gò, đồi trong giai đoạn và hàng năm; chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm có hiệu quả; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các xã, phường tổ chức thực hiện kế hoạch nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác”. 

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, gò, đồi sang trồng các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, thời gian tới thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, xây dựng chuỗi liên kết; trong đó, trọng tâm là gắn sản xuất với chế biến; xây dựng sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; hỗ trợ người dân xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh thị trường tiêu thụ thông qua quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn trên các sàn thương mại điện tử... 

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân cải thiện thu nhập. Cụ thể, các cây trồng chuyển đổi cho lãi ròng trên 30 triệu đồng/ha/vụ và có một số mô hình lãi đến 100 - 150 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 5 - 7 lần so với trồng lúa.

Thanh Tân