Yên Bái nâng cao chất lượng y tế tuyến xã

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/7/2024 | 2:34:07 PM

YênBái - Góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, thực hiện tốt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã (TCQGVYTX) giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã tập trung tháo gỡ khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng trạm y tế, triển khai nhiệm vụ chuyên môn khám và điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã…

Cán bộ y tế xã Yên Thắng, huyện Lục Yên kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn.
Cán bộ y tế xã Yên Thắng, huyện Lục Yên kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn.

Từ năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện BTCQGVYT giai đoạn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành duy trì bảng điểm chất lượng tại tất cả trạm y tế xã; rà soát, xây dựng danh mục thuốc và danh mục kĩ thuật trong khám chữa bệnh; đầu tư cơ sở hạ tầng… cho y tế tuyến xã. Tính đến hết tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh đã có 126/173 xã, phường, thị trấn đạt Bộ TCQGVYTX, chiếm 72,8%.

Trưởng Trạm Y tế thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: "Cùng với chủ động tham mưu với UBND thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chỉ đạo thực hiện các nội dung của Bộ TCQGVYTX…, Trạm Y tế thị trấn đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng đánh giá kết quả hoạt động và triển khai kế công tác y tế; phối hợp với các ngành, tổ chức lồng ghép hoạt động tại các hội nghị, cuộc họp tại tổ dân phố, xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình y tế”.  

Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn và tiếp tục duy trì trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo Bộ TCQGVYTX, từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế thị trấn Mậu A đã khám bệnh cho 3.139 lượt người, đạt 65,4% kế hoạch, 100% người dân được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Trạm còn thực hiện tốt công tác y tế dự phòng; thực hiện tốt quy trình tiêm chủng an toàn theo quy định; 100% phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén, khám thai định kỳ, tiêm phòng; 100% phụ nữ sinh đẻ được nhân viên y tế qua đào tạo đỡ đẻ... 


Cán bộ Trạm Y tế thị trấn Mậu A tổ chức khám sức khoẻ, cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn.

Những năm qua, Yên Bái đã duy trì hoạt động của ban chăm sóc sức khỏe nhân dân xã, trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho ban thực hiện TCQGVYT; phân công các đoàn thể chính trị - xã hội phụ trách các tổ, thôn, bản để nắm bắt và chủ động phối hợp tham gia vào việc triển khai thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe và các chương trình y tế trên địa bàn. Đặc biệt, chỉ tiêu "Xã, phường, thị trấn đạt TCQGVYT” tiếp tục là một trong các chỉ tiêu chính được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao cho Sở Y tế và các địa phương thực hiện.

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bên cạnh chú trọng công tác chỉ đạo thực hiện Bộ TCQGVYTX, Yên Bái còn tập trung rà soát lại thực trạng cơ sở hạ tầng của các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đề xuất cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới một số trạm y tế đã xuống cấp hoặc không đủ phòng làm việc, công trình phụ trợ; đầu tư nguồn nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom và xử lý chất thải y tế tại các trạm theo đúng quy định. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 46 trạm y tế xã được đầu tư xây mới và sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, trong đó có 6 trạm y tế xây mới, 40 trạm y tế sửa chữa, cải tạo. 

Cùng với đảm bảo điều kiện trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, vắc xin…, ngành y tế Yên Bái còn đảm bảo nguồn nhân lực y tế cho trạm y tế, thực hiện tuyển dụng cán bộ, và thu hút bác sỹ về làm việc tại các trạm phù hợp quy mô khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các địa phương. 

Tỉnh đã bố trí tối đa các trạm y tế có bác sĩ làm việc, ưu tiên các xã vùng 2, vùng 3 trong lộ trình thực hiện TCQGVYT giai đoạn đến năm 2030; thực hiện luân chuyển cán bộ y tế từ trung tâm y tế huyện đến làm việc tại trạm y tế xã; tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý các chương trình y tế, đào tạo cho nhân viên y tế thôn bản theo các chương trình, dự án hiện hành… Nguồn lực dành cho y tế cơ sở đến nay đạt trên 1.600 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế chung của tỉnh.

Trưởng Trạm Y tế xã Vân Hội, huyện Trấn Yên- Phạm Văn Ngọc cho biết: "Hiện tại, Trạm có 4 cán bộ, trong đó, có 1 bác sỹ, 1 y sỹ, 1 nữ hộ sinh, 1 dược sỹ, mỗi thôn có 1 nhân viên y tế hoạt động. Để duy trì Bộ TCQGVYTX trong thời gian tới, Trạm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế, nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm và thực hiện tốt các tiêu chí nằm trong Bộ TCQGVYTX giai đoạn đến năm 2030…”.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, đồng thời thực hiện tốt Bộ TCQGVYTX giai đoạn đến năm 2030, Yên Bái sẽ bố trí cán bộ, trang thiết bị để tăng khả năng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã, bảo đảm thực hiện sơ cứu, cấp cứu thông thường theo quy định của Bộ Y tế.

Đẩy mạnh xây dựng trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Tăng cường quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, từng bước kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Triển khai 100% trạm y tế xã áp dụng "Bảng điểm chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã” theo hướng dẫn, đảm bảo liên thông, chia sẻ dữ liệu lịch sử khám chữa bệnh giữa các trạm y tế xã và trung tâm y tế tuyến huyện. 

Đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình y tế - dân số. Lồng ghép việc thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới); quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp.

"Ngành y tế Yên Bái đặc biệt quan tâm tới triển khai hiệu quả và mở rộng các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân; làm tốt công tác thường trực cấp cứu, đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh tại trạm y tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của trạm y tế như: triển khai hiệu quả các phần mềm quản lý trạm y tế, thống kê y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, các phần mềm quản lý của chương trình chuyên môn… để không ngừng nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã” - Giám đốc Lê Thị Hồng Vân khẳng định.

Thành Trung