Bóc gỡ đường dây làm giả thuốc diệt cỏ quy mô lớn

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/8/2024 | 2:11:59 PM

Công an tỉnh Gia Lai vừa phát hiện tại 4 kho xưởng của đối tượng Học chứa số lượng lớn thuốc diệt cỏ giả nhãn hiệu, tem nhãn, 107 bao nguyên liệu có trọng lượng hơn 2,6 tấn.

Cơ sở các đối tượng tổ chức pha trộn, dán tem, nhãn và đóng gói thuốc giả
Cơ sở các đối tượng tổ chức pha trộn, dán tem, nhãn và đóng gói thuốc giả

Ngày 14/8, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Học (SN 1983, trú phường Chi Lăng, TP.Pleiku) và Đàm Viết Hoàng (SN 1984, trú xã Chư Á, TP.Pleiku) để điều tra về tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả là thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.

Trước đó, các trinh sát Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh phối hợp Công an TP.Pleiku phát hiện tại 4 kho xưởng của Học ở xã Chư Á, xã An Phú và phường Chi Lăng (TP.Pleiku) chứa số lượng lớn thuốc diệt cỏ có dấu hiệu giả nhãn hiệu, tem nhãn; hơn 4,8 nghìn hũ (lọ) thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu với nhiều nhãn hiệu và 11 máy phục vụ sản xuất, đóng gói; 107 bao nguyên liệu có trọng lượng hơn 2,6 tấn.

Bước đầu Học khai nhận, vì lợi nhuận nên đã thực hiện hành vi trên để trục lợi…Học chủ động liên lạc với các đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc để mua nguyên liệu, in nhãn mác vận chuyển về TP.Pleiku rồi thuê người pha trộn, đóng lọ, dán nhãn mác để tiêu thụ. Sau khi đóng gói xong, Học móc nối với một số đối tượng khác trong và ngoài tỉnh Gia Lai để tiêu thụ. Ngoài ra, Học còn đăng bán trên các trang mạng xã hội, thuê người đến các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để chào mời, bán sỉ.

Khi Học cho người vận chuyển nguyên liệu và các loại nhãn mác đến kho, Hoàng sẽ thuê người cùng tham gia đóng vào chai và dán nhãn. Hoàn thành sản phẩm, Hoàng cho người đóng vào các thùng, rồi chở đến giao cho Học.

Quá trình điều tra vụ án, Phòng Cảnh sát kinh tế xác định đối tượng Hoàng đã pha trộn, đóng gói được 20 nghìn lọ thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, các đối tượng liên quan tới vụ án trên thường lựa chọn những khu vực ít người qua lại để thuê kho, tổ chức pha trộn, dán tem, nhãn và đóng vào lọ. Sản phẩm được các đối tượng làm, bằng mắt thường khó phân biệt được hàng giả nhãn mác, giả nhãn hiệu với hàng của các công ty có chứng nhận, được cấp phép sản xuất.

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng chia lẻ sản phẩm nhằm tránh bị phát hiện. Quá trình vận chuyển, thuê người in ấn nhãn mác các đối tượng chỉ liên lạc bằng điện thoại. Việc vận chuyển nguyên vật liệu, nhãn mác sản phẩm được giao dịch bằng các số điện thoại không cố định; thường xuyên cảnh giác khi giao, nhận hàng.

Quá trình vận chuyển, tiêu thụ các đối tượng thực hiện bằng nhiều hình thức như bán qua các trang mạng xã hội; móc nối với các đối tượng vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc để bán và tiêu thụ trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên.

(Theo TPO)