Chứng khoán Việt Nam mua bán theo tâm lý

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2007 | 12:00:00 AM

Đã gần nửa tháng 9, liệu thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thay đổi gì lạc quan hơn trong những tháng tới? Sự quan tâm của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đối với TTCK Việt Nam như thế nào...

Báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ Dragon Capital - một NĐT nước ngoài lão luyện, có mặt sớm nhất tại thị trường Việt Nam - về vấn đề này.

* Nhận định của ông về TTCK Việt Nam hiện nay như thế nào?

TTCK Việt Nam từ đầu năm 2007 đến nay giống như cùng kỳ năm 2006. Những tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, tháng 4 bắt đầu xu hướng đi xuống và kéo dài đến tháng 8, 9. Xu hướng này một phần có yếu tố thị trường đúng nghĩa của nó vì ở nhiều nước trên thế giới, tình hình cũng tương tự theo chu kỳ đó. Đầu năm là thời điểm mọi người nhìn vào năm mới với những nhận xét mới, góc nhìn mới trên cơ sở các thông tin mới. Nói chung là một cái nhìn lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế và các công ty. Điều này đã tạo nên sự sôi động cho TTCK.

 Nhật báo tài chính hàng đầu thế giới The Wall Street Journal số ra ngày 8/9 có bài viết về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam của phóng viên James Hookway với những góc nhìn khách quan và sắc sảo trong giai đoạn tăng giảm thất thường hiện nay. Bài báo nhận định: Sự điều chỉnh thất thường của sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy đây là một trong những thị trường không ổn định nhất thế giới trong vài năm qua.

Nhưng bước sang tháng 4, 5 là mùa hè, hơn nữa thông tin mới của các công ty cũng chưa nhiều. Ví dụ một dự án được công bố và khởi động từ đầu năm thì cũng phải đợi đến cuối năm mới có kết quả. Trong tiếng Anh, có một câu ngạn ngữ "Bán trong tháng 5 và đi nghỉ", vì những NĐT có ngồi trong văn phòng thời gian này cũng không có nhiều việc để làm. TTCK Việt Nam còn có một yếu tố riêng rất Việt Nam. Đó là yếu tố mua bán theo tâm lý và việc các công ty đã bung ra quá nhiều số lượng "giấy" (phát hành thêm cổ phiếu).

Hơn nữa, các công ty Việt Nam lại tranh nhau đưa ra số lượng "giấy" trên thị trường cùng lúc trong khi không lường được hết sức mua trên thị trường. Điều đó tạo nên sức bán tăng cao hơn sức mua. Dường như các công ty niêm yết và cả NĐT Việt Nam đều đang thử thách xem khả năng của mình đến mức độ nào.

* Ông dự đoán thế nào về TTCK Việt Nam trong thời gian tới?

Câu này thật khó trả lời. Cuối năm thông thường là thời điểm người ta nghĩ đến việc tổng kết năm, mức chia cổ tức như thế nào... và bắt đầu nghĩ đến một năm mới. Do đó thị trường sẽ có nhích lên một tí. Ở Việt Nam cũng có xu hướng này nhưng có một số điểm cần được lưu ý. Đó là các công ty phải tính toán lại việc tăng vốn vì điều này ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập của một cổ phiếu) của công ty.

Ví dụ P/E của công ty hiện nay là 20 lần và lợi nhuận tăng 50% nhưng công ty cũng tăng vốn 50% thì P/E đến cuối năm vẫn là 20. Lúc này việc tăng lợi nhuận không còn ý nghĩa gì nữa và giá trị cổ phiếu cũng không thay đổi. Kế đến là tiến độ cổ phần hóa các công ty nhà nước được thực hiện như thế nào? Theo tôi, Chính phủ Việt Nam không nên dừng cổ phần hóa các công ty lớn vì đây là chương trình lớn của Việt Nam, nó có ý nghĩa về chính trị, xã hội và quan trọng nhất là tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Tuy nhiên người chủ sở hữu là Nhà nước phải tính toán kỹ và cân đối về mối quan hệ giữa số lượng "giấy" và giá trị "giấy" cũng như cân đối tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Chúng ta không nên sợ cổ phần hóa kể cả khi thị trường xuống một phần nữa. Nguyên nhân chính khiến cho NĐT trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào TTCK là nhờ cổ phần hóa. Nếu giờ đây dừng lại thì yếu tố khiến họ quan tâm sẽ không còn nữa. Trở lại dự đoán về TTCK Việt Nam trong thời gian tới, nếu để 2 yếu tố này qua một bên thì thị trường không có gì đáng lo ngại vì mặt bằng giá trị không phải là thấp lắm nhưng cũng không cao lắm. Theo ước tính sang năm 2008, P/E trung bình của các công ty trên thị trường chỉ khoảng 20 lần vì nhiều công ty có tốc độ phát triển khá thuyết phục.

* Theo ông, sự quan tâm của các NĐT nước ngoài hiện nay đối với TTCK Việt Nam như thế nào?

Những NĐT nước ngoài tham gia từ cuối năm 2006 nhưng phần lớn là từ đầu năm 2007 đến nay đều bị lỗ chứ không có lời. Điều này cũng giống như một số NĐT trong nước. Có thể những NĐT nước ngoài đó đã mất đi sự quan tâm đến TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, sự khủng khoảng về tình hình tài chính tín dụng đang lan rộng ở nhiều nước khiến có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí nhiều người cho rằng đó là sự khủng hoảng hệ thống và phải mất một thời gian dài mới khắc phục được. Nếu nghe như vậy, không một NĐT nào muốn bỏ tiền ra để nhận thêm rủi ro. Điều đó tất yếu sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn ở tất cả các thị trường, trong đó có TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay vẫn có nhiều NĐT nước ngoài cho rằng thà ở Việt Nam còn hơn có mặt ở Mỹ.

* Xin cảm ơn ông.

(Theo VnMedia)