Ứng dụng tiến bộ khoa học đến vùng cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thực hiện nhiệm vụ đưa nhanh thành tựu khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế vững chắc tại huyện vùng cao của tỉnh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiệm vụ khoa học năm 2007 trong đó có thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho 2 dự án tại huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải.

Mục tiêu của dự án là ngăn chặn chặt phá rừng.
Mục tiêu của dự án là ngăn chặn chặt phá rừng.

Dự án "Xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất nương rẫy kết hợp với chăn nuôi đại gia súc của đồng bào Mông xã Trạm Tấu huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái" là dự án thuộc Chương trình "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa  học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010" do Bộ KH&CN ủy quyền  cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái quản lý.

Mục tiêu của Dự án là góp phần từng bước ổn định đời sống đồng bào vùng cao, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy và du canh du cư thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, kết hợp chăn nuôi đại gia súc bán chăn thả là điểm tham quan, học tập và nhân rộng tại vùng cao. Kết quả xây dựng mô hình từ tháng 1/2007 đến nay đạt 75% nhiệm vụ, bao gồm: đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ thực hiện Dự án với UBND huyện và chủ dự án thực hiện các nhiệm vụ tư vấn chuyển giao xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất dốc kết hợp nông lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; tập huấn kỹ thuật và đào tạo kỹ thuật viên cơ sở.

Kết quả đã thực hiện theo đúng nội dung của dự án và hợp đồng ký kết, cụ thể như: khảo sát chọn được 8 hộ nông dân thực hiện Dự án đúng tiêu chí đề ra là có diện tích triển khai, có nhân lực, có điều kiện thực hiện thành công mô hình... Đã thực hiện biên soạn tài liệu, thiết kế kỹ thuật, xây dựng được tiêu chí chọn giống cây, giống lúa nương, giống cỏ, giống bò địa phương và bò lai Shind; phân lô trồng cây phân lâm nghiệp, lúa nương, cỏ Decumben, cỏ voi làm thức ăn cho gia súc và chống xói mòn, trồng cây ăn quả... Thực  hiện khảo sát, thiết kế chuồng trại chăn nuôi chuẩn bị điều kiện để làm chuồng, mua bò, tập huấn kỹ thuật xong trong tháng 9-10/2007.

Dự án nuôi trồng nấm sò trên rơm của đồng bào dân tộc Thái tại thị trấn huyện Mù Cang Chải: mục tiêu của Dự án là xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng, thu hái nấm ăn trên rơm; là mô hình học tập và nhân rộng tại địa phương. Kết quả, đã cùng với chủ dự án tiến hành khảo sát chọn 10 hộ thực hiện, biên soạn tài liệu và tập huấn cho 35 học viên nắm được cơ bản quy trình nuôi trồng nấm trên rơm; triển khai hướng dẫn kỹ thuật tại 10 mô hình, đạt 80% công việc như chuẩn bị được nguyên liệu, ủ, cấy giống và đang ươm sợi. Tháng 9/2007 tiến hành rạch bịch, chăm sóc và thu hái sản phẩm.

Qua việc triển khai thực hiện chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở địa bàn huyện vùng cao cho thấy, tuy có khó khăn về khoảng cách, đường xa, thông tin tuyên truyền còn hạn chế... nhưng cán bộ và người thực hiện dự án rất cần cù, học hỏi, tiếp thu những cái mới... Việc phát huy điều kiện về đất đai, lao động tại chỗ để thực hiện các dự án khoa học đã góp phần làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế, tạo việc làm, sản phẩm mới, tích cực tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, là tiền đề cho phát triển kinh tế đa dạng tại địa phương; cần phải được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa.

Vũ Viết Nhất