Vì sao mùa đông hay bị cúm?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/10/2007 | 12:00:00 AM

Virus cúm sinh sôi thành công nhất ở độ ẩm và nhiệt độ thấp. Điều kiện thời tiết như vậy giúp virus ổn định hơn và duy trì trong không khí lâu hơn, so với khi trời nóng ẩm.

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã có được bằng chứng xác đáng vì sao bệnh cúm lại luôn phổ biến vào mùa lạnh. Họ tìm thấy chính thời tiết giá lạnh, chứ không phải bản thân cơ thể người, là tác nhân giúp virus sinh sôi nảy nở.

"Chúng ta vẫn thường cho rằng vào mùa đông, hệ miễn dịch hoạt động không được mạnh mẽ, nhưng đó không hoàn toàn là lý do", Peter Palese tại Trường Y Mount Sinai ở New York City, Mỹ, nói.

Khi chúng ta hắt hơi hoặc xì mũi, những giọt nước nhỏ xíu bắn vào không khí và ở đó cho đến khi chúng rơi xuống đất - hoặc là một ai đó đi qua hít phải. Một khi đã đi vào cơ thể, bất cứ virus cúm nào bám trên giọt nước cũng có thể phát động một cuộc tấn công.

"Chúng tôi tìm thấy giai đoạn lây truyền bệnh cúm kéo dài lâu hơn rất nhiều khi nhiệt độ và độ ẩm đều thấp", Palese nói.

Ông cho rằng điều kiện thời tiết này không chỉ giúp giọt nước trôi nổi trong không khí lâu hơn, mà còn quét sạch những lớp nhày và tế bào ngăn cản virus trong đường thở của chúng ta. Một khối lượng lớn virus cùng với hàng rào bảo vệ trong cơ thể bị vô hiệu hóa, khiến bệnh cúm có cơ hội tốt hơn để xâm nhiễm vào con người, bất kể hệ miễn dịch của họ mạnh đến đâu.

Mặc dù bệnh cúm được lây nhiễm chủ yếu qua không khí, virus cũng có thể sống sót trên tay nắm cửa, tay vịn cầu thang và những bề mặt khác. Các chuyên gia y tế khuyên rằng thường xuyên rửa tay, đặc biệt trước khi ăn cơm, sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và lây truyền bệnh cúm.

(Theo VnExpress)