Chỉ thị của Thủ tướng: “Tiếp tục kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán”

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/11/2007 | 12:00:00 AM

Từ nay đến cuối năm 2007 và đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát hoạt động cho vay kinh doanh chứng khoán.

Nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến định hướng cho vay kinh doanh đầu tư chứng khoán trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến định hướng cho vay kinh doanh đầu tư chứng khoán trong thời gian tới.

Đây là một yêu cầu trong Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 31/10/2007.

Trọng tâm của chỉ thị này là tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008.

Trong Chỉ thị 23, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “tiếp tục triển khai các biện pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển để góp phần tăng trưởng kinh tế; chú trọng thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và không để xảy ra sốc cho thị trường”.

Đặc biệt, Chỉ thị nhấn mạnh: “Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2007 và đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại trong việc cho vay kinh doanh chứng khoán”.

Đây là chỉ đạo mới nhất, tiếp tục khẳng định chủ trương kiểm soát tốt hoạt động cho vay kinh doanh chứng khoán, vốn được xem có nhiều rủi ro.

Trong thời gian gần đây, thị trường cũng xuất hiện một số thông tin đề cập đến khả năng sửa đổi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hoạt động cho vay này. Nhưng với thông tin chỉ đạo trên, nhiều khả năng việc nới rộng hạn mức hay những sửa đổi lớn liên quan đến Chỉ thị 03 khó xẩy ra từ nay đến đầu năm 2008.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo dõi, kiểm soát chặt các luồng vốn ngoại tệ vào, ra trên thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính chỉ đạo tốt việc tăng cường thông tin trên thị trường chứng khoản một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác, công khai, minh bạch; nhất là thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp và các thông tin liên quan đến phát hành cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp theo luật định.

Liên quan đến yếu tố tiền tệ trong lạm phát hiện nay, chỉ thị trên cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện đồng bộ, hài hoà các giải pháp rút tiền từ lưu thông về, cơ cấu lại tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bán ra có kỳ hạn ngắn, mua ngoại tệ ở mức độ thích hợp nhằm tăng dự trữ ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng tiền Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2007, 2008 để tham gia hút bớt tiền về, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành thực hiện các biện pháp đẩy mạnh giải ngân cho các dự án đầu tư của Nhà nước để tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

Sau 10 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 8,12%, gần với mức dự báo cả năm 8,3% của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khả năng tiếp cận tốc động tăng trưởng của năm nay.

Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 11 này, chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng thêm 0,4%. Nếu dự báo này hiện thực, áp lực còn lại sẽ dồn trong tháng 12, tháng cận Tết nguyên đán.

(Theo Thời báo Kinh Tế)