Ông giáo già và ngôi trường dân lập đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Người ta bảo, sao ông giáo già ấy lại tham việc đến vậy? Gần 40 năm cống hiến chưa mệt hay sao mà nay đã ở tuổi 65, cái tuổi người ta cần được nghỉ ngơi, thanh thản thì ông lại tự vơ lấy cái sự “lao tâm khổ tứ” cho mình?

Thầy giáo Hà Ngọc Xuân (bên phải) hướng dẫn lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái và Lào Cai thăm Trường.
Thầy giáo Hà Ngọc Xuân (bên phải) hướng dẫn lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái và Lào Cai thăm Trường.

Nhưng là cái duyên, là niềm mong mỏi gắn bó với sự nghiệp trồng người, là nỗi trống trải khi vắng bóng những học trò hay là sự trăn trở về chủ trương đa dạng hóa hình thức giáo dục ở một tỉnh miền núi như Yên Bái? Có thể là tất cả, để những suy nghĩ về một ngôi trường dân lập không chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà trở thành việc làm. Năm 2003, sau 4 năm nghỉ công tác, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái bắt

đầu những ngày với bao công việc cần thiết cho sự hình thành của một ngôi trường dân lập chưa từng có ở đất Yên Bái này. Cũng băn khoăn lắm chứ về cái sự thành hay không thành khi là người mở đầu cho một mô hình mới trong giáo dục, nhưng băn khoăn đã không làm ngại lòng ông giáo già. Thêm gần 40 năm công tác khi là thầy giáo cấp một, rồi giảng viên trung học sư phạm, rồi trưởng khoa, Phó ty Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm; thêm sự học hỏi kinh nghiệm về mô hình trường dân lập ở một số nơi; thêm những sự cổ vũ, động viên của nhiều người, ông giáo già quyết tâm cho việc mở trường. Sau những nỗ lực suốt một năm, ngày 13.4.2004, Yên Bái có thêm một ngôi trường với mô hình hoàn toàn mới: Trường Tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn.

Ngày khai giảng năm học 2004 - 2005, có lẽ người hiệu trưởng của ngôi trường mới này đợi chờ và lo lắng hơn bất cứ một người hiệu trưởng nào. Cho đến tận trước ngày khai giảng vẫn mới chỉ có 5 hồ sơ đăng ký học. Người ta còn lạ lắm với ngôi trường như thế này; còn nhiều nghi ngờ, còn nhiều dè dặt, còn nhiều băn khoăn để có thể yên tâm đưa con đến học ở đây.

Rồi hôm khai giảng, có được thêm một học sinh nữa. Vậy là cả Trường có 6 học sinh. Không những thế, lúc này, thầy và trò còn phải học nhờ tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của tỉnh. Với 6 học sinh, 2 cô giáo, 1 hiệu phó, 1 hiệu trưởng, nhà trường vẫn duy trì học và dạy nghiêm túc. Ông giáo già vẫn cặm cụi đến Trường hàng ngày, vẫn sát sao với từng hoạt động. Người ta thấy lo lắng thay cho ông hiệu trưởng già. Có người góp ý nên chuyển thành trường dân lập cấp ba bởi nhu cầu học nhiều hơn mà các trường công lập không đáp ứng hết được. Dù bận lòng nhiều trước những ý kiến xung quanh, nhưng chính niềm tin của những phụ huynh học sinh, chính nhu cầu được tiếp tục theo học ở ngôi trường này bởi chất lượng của con mình mà họ nhận thấy đã tăng thêm quyết tâm cho người hiệu trưởng già.

Bước sang năm học thứ hai, Trường đã có địa điểm chính thức tại Km2, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. 14 em học sinh đăng ký đầu năm và đến cuối năm, nhà trường đã có 54 học sinh và 2 lớp mầm non. Con số tuy không thực sự nhiều nhưng đã là niềm động viên, cổ vũ niềm tin của thầy. Công tác giảng dạy thực sự chất lượng vẫn được thầy đôn đốc hơn lúc nào hết để tạo dựng uy tín với phụ huynh. Bắt đầu từ năm học thứ hai, kênh thông báo chiêu sinh của nhà trường không đâu khác lại chính là những phụ huynh có con học ở Trường.

Bước sang năm học thứ ba, đội ngũ giáo viên vui mừng chiêu sinh được 3 lớp Một và năm học này, Trường đã có 7 lớp tiểu học với 205 học sinh, 4 lớp mầm non. Một hiệu trưởng, một hiệu phó và 2 cô giáo buổi đầu năm nào thì nay nhà trường đã có hơn 20 giáo viên trình độ đại học và cao đẳng với 15 phòng học mới khang trang. 2 lớp Một được tuyển sinh trong năm học này mới chỉ giải quyết được một nửa nhu cầu muốn theo học. Ông giáo già đã bắt đầu có thể nhẹ lòng với chỗ đứng của Trường Tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn trong ngành giáo dục tỉnh Yên Bái.

Với tỷ lệ 80% số học sinh đạt học lực khá, giỏi năm học 2006 - 2007 vừa qua, người hiệu trưởng ấy hoàn toàn tự tin trước kết quả dạy và học của nhà trường: “Không phải đợi đến lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động cuộc vận động “Hai không”, bởi chúng tôi hiểu hơn ai hết, chất lượng thực chất chứ không phải thành tích chính là vấn đề sống còn của một trường dân lập”. Để làm được như vậy, Trường đã hết sức khắt khe từ khâu tuyển chọn giáo viên. Chính bản thân người hiệu trưởng già trực tiếp kiểm tra, chọn lựa từng giáo viên. Mỗi thầy cô khi được nhận vào cũng chưa được đứng lớp ngay trong năm đầu mà phải dự thính, rèn luyện, tập sự và khi trực tiếp đứng lớp thì dạy bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, trình độ và lòng nhiệt tình.

Đã qua bước “khởi đầu nan”, ông giáo già ngày càng tận tình với nghiệp. Ông cho hay: “Sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường như phòng học vi tính, phòng chức năng, giáo cụ trực quan nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh, học phải đi đôi với hành”. Nhìn lại chặng đường dù ngắn nhưng nhiều thử thách đã qua, người hiệu trưởng của ngôi trường dân lập đầu tiên tại Yên Bái chia sẻ: “Ở một trường như Lê Quý Đôn, muốn tồn tại và phát triển không chỉ cần phải có sự hết lòng vì học sinh của mỗi giáo viên cho đến người quản lý, mà còn phải tạo ra một phong cách ứng xử với học sinh và phụ huynh thật sự thân thiện: lắng nghe, khắc phục hay giải thích, bảo vệ quan điểm…”.

Ở tuổi 65, ông giáo già ấy đã bắt đầu một điều thật mới mẻ không chỉ riêng đối với bản thân. Ông giáo ấy là Nhà giáo ưu tú Hà Ngọc Xuân.

Thu Hạnh