Những dự báo thời tiết Việt Nam 2008

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/1/2008 | 12:00:00 AM

Ký ức bão lụt chồng chất trong năm qua. Biển Đông vẫn mưa trên trung bình do ảnh hưởng La Nina. Gió mùa đông bắc gây mưa từ Phillipines đến Việt Nam và còn kéo dài đến cuối tháng 3.2008. Dự báo nào cho thời tiết 2008?

Bản đồ bão 2007.
Bản đồ bão 2007.

Các dự báo

Theo Cơ quan Khí tượng Anh quốc (British Meteorological Office/ BMO), dù La Nina sẽ kéo giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống, nhưng 2008 vẫn là một trong mười năm nóng nhất.

Tác động mạnh của La Nina trên Thái Bình Dương vẫn như mấy tháng cuối năm 2007 và trong năm 2008, dự báo đây sẽ là La Nina mạnh nhất kể từ năm 2000.

“Hiện tượng bất thường của El Nino và La Nina tác động mạnh nhiệt độ mặt đất và dòng nước xiết của La Nina sẽ gây biến động ranh giới nhiệt độ năm 2008 - Giáo sư Chris Folland của BMO nhận định - Điều này có nghĩa nhiệt độ 2008 sẽ cao hơn nhiệt độ năm 2000 cho đến khi La Nina suy yếu”.

Các chuyên gia tính toán, hiệu ứng nhà kính do khí thải vẫn là nguyên nhân chính tác động xấu đến điều kiện tự nhiên trên các đại dương.

“Do La Nina, năm 2008 là năm được dự báo lạnh hơn bất kỳ năm nào từ 2000 trở lại đây, nhưng điều đó không có nghĩa hiện tượng ấm nóng toàn cầu sẽ qua đi". Giáo sư Phil Jones, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu khí hậu Đại học Đông Anh quốc (The Climatic Research Unit at the University of East Anglia) nói.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ) nhận định: “La Nina sẽ gây nhiều trận bão hơn El Nino. Thống kê từ 1951 đến 1997 cho biết, tại Việt Nam trung bình một năm El Nino có 5 trận bão và một năm La Nina có đến 8 trận.

Ngoài ra, La Nina thường gây nhiều mưa hơn El Nino, vì vậy cần cảnh giác, đặc biệt tại miền Trung sẽ có những trận lụt lớn như năm qua”.

Cảnh báo!

Năm 2006, do El Nino, Philippines và Việt Nam hứng chịu nhiều bão lớn và siêu bão. Năm 2007, do La Nina, nhiều trận lụt lớn đã diễn ra.

Trong các thiên tai, miền Trung Việt Nam thường là tâm điểm. Đây cũng là tâm điểm thiệt hại về người và của. Cạnh tác động của thiên tai còn có tác động của nhân tai.

Những cánh rừng đầu nguồn không ngừng bị tàn phá, các công trình giao thông loại lớn gián tiếp biến đổi vùng phân lũ trước đây.

Nhiều vùng dân cư bị lũ bất thần ập đến và dâng cao trước khi tràn về hạ lưu đã khiến người dân trở tay không kịp. Các phương tiện ứng cứu thô sơ và thiếu. Các biện pháp di dời chỉ được khẩn cấp đề ra trước giờ lũ đến.

Các phương án định cư mới dường như chỉ được nhắc đến theo mùa. Chưa kể các ẩn họa do lũ ống, sạt đất, lở núi... làm chết hàng chục người mỗi vụ.

Vì thế, ngay từ bây giờ các nhà chức trách cần rà soát lại và tiếp tục triển khai các phương án thực hiện chưa trọn vẹn từ các năm qua.

(Theo TPO)