YênBái - YBĐT - Thành lập ngày 1/3/1965, trên cơ sở 16 xã của huyện Trấn Yên và 6 xã của huyện Văn Bàn, khi mới thành lập, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có 22.000 dân, trong đó hơn 1 vạn dân Yên Bình nhường đất xây dựng Thủy điện Thác Bà.
Sản phẩm Quế vỏ xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho nhân dân Văn Yên.
|
Cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước, những ngày này, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đang hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác, lập thành tích xuất sắc chào mừng 78 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930 - 3/02/2008) và kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập huyện (1/3/1965-1/3/2008).
Thành lập ngày 1/3/1965, trên cơ sở 16 xã của huyện Trấn Yên và 6 xã của huyện Văn Bàn, khi mới thành lập, Văn Yên có 22.000 dân, trong đó hơn 1 vạn dân Yên Bình nhường đất xây dựng Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của thủy điện Việt Nam, chuyển lên xây dựng vùng kinh tế mới. Đảng bộ lúc đó chỉ có 25 tổ chức cơ sở Đảng với 673 đảng viên.
Về tư liệu sản xuất, toàn huyện mới chỉ có 1.500 ha ruộng nước, 496 ha quế, 72 ha chè, 92 ha mía nên đời sống của nhân dân các dân tộc gặp rất nhiều khó khăn. Cả huyện mới chỉ có 1 trường cấp II, 1/2 số xã có trường cấp I với 2.000 học sinh.
Thời gian mới thành lập cũng là thời điểm giặc Mỹ đang điên cuồng mở cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Là địa bàn chiến lược, có tuyến đường sắt huyết mạch Hà Nội - Lào Cai chạy qua, Văn Yên thường xuyên là trọng điểm đánh phá của kẻ thù.
Vận dụng sáng tạo đường lối lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Yên Bái, Đảng bộ huyện Văn Yên đã chỉ đạo các hoạt động từ thời bình chuyển sang thời chiến, vừa phát triển kinh tế, chi viện sức người, sức của cho chiến trường với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh, giải quyết tốt các nhu cầu cấp bách của địa phương và động viên sự đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Các phong trào thâm canh, làm thủy lợi, làm đường giao thông xây dựng và củng cố HTX, phong trào học bổ túc văn hoá, xây dựng trận địa, hầm hào phòng tránh và đánh trả máy bay Mỹ, tháo bom nổ chậm, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt… đã thực sự thu hút được toàn dân, toàn quân trong huyện tham gia. Năm 1968, Văn Yên là huyện đầu tiên và duy nhất của tỉnh Yên Bái lúc đó đạt năng suất lúa bình quân trên 5 tấn/ha và là huyện duy nhất của tỉnh Yên Bái lúc đó đạt danh hiệu “4 tốt”.
Thời kỳ những năm 1976 - 1985, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và đối phó với 2 cuộc chiến tranh xâm lược biên giới. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hoàng Liên Sơn, Văn Yên tiếp tục củng cố những thắng lợi đã giành được, kiên trì mục tiêu phát triển 3 vùng kinh tế lên một bước mới và giữ vững là huyện có phong trào khá về mọi mặt, đồng thời tỏ rõ bản lĩnh và truyền thống cách mạng kiên cường, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Đã huy động 2.084 người đi xây dựng phòng tuyến biên giới phía Bắc, đóng góp trên 1000 dân công hoả tuyến đi phục vụ chiến đấu, hơn 100 cán bộ chủ chốt ở cơ sở được tăng cường cho các xã biên giới, là hậu phương lớn, đón tiếp hàng ngàn cán bộ và nhân dân tuyến biên giới về, tạo chỗ ở và làm việc ổn định cho đồng bào.
Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho 2 địa phương là xã Đại Phác và thị trấn Mậu A, 1 HTX được phong tặng Anh hùng lao động là HTX Cộng Lực (xã Viễn Sơn).
Từ 1986 đến nay, bước vào công cuộc đổi mới với muôn vàn khó khăn bởi thói quen, cách nghĩ, tập quán làm ăn cũ đã ăn sâu trong tiềm thức nhân dân và cán bộ.
Song, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Yên Bái, Đảng bộ huyện Văn Yên đã nắm bắt thời cơ, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, chủ động, tích cực lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi mà huyện có thế mạnh và có thị trường tiêu thụ, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung mới gắn công nghiệp chế biến tại địa phương, tạo ra một khối lượng hàng hoá lớn, có sức cạnh tranh cao như: sắn công nghiệp, đậu tương, quế xuất khẩu, trâu bò hàng hoá, lợn hướng nạc, vùng cây con cho sản xuất…
Đến năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 11,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp xuống 49%, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng lên 23,7%, tỷ trọng thương mại - dịch vụ lên 27,3%. Đến nay, huyện đã có gần 5.502,3 ha lúa nước, tăng 3 lần diện tích lúa nước khi thành lập, năng suất bình quân đạt 100,3 tạ /ha; trên 5800 ha sắn cao sản, năng suất đạt gần 25 tấn/ha; gần 1.000 ha đậu tương đồi tập trung ở 3 xã thượng huyện tả ngạn sông Hồng;1200 ha ngô 2 vụ.
Toàn huyện đã có trên 24.000 ha rừng sản xuất với trên 15.000 ha quế, gấp 30 lần diện tích quế khi thành lập; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 63%. Đàn trâu, bò hiện có trên 21.000 con, trên 75.000 con lợn.
Năm 2007, giá trị công nghiệp đạt trên trên 100 tỷ đồng. 27/27 xã, thị trấn của huyện có đường ô tô đến trung tâm xã, 292/312 thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn. Bằng nguồn lực tự có trong nhân dân, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã nâng cấp, mở mới một số công trình, một số tuyến đường giao thông quan trọng như: cầu Mậu A bắc qua sông Hồng, đường Quy Mông - Đông An, đường An Lương - Mỏ Vàng, đường An Thịnh - Đại Sơn - Nà Hẩu, đường vành đai thị trấn Mậu A, đường Đông An - Phong Dụ Thượng, An Bình - Lang Thíp, đường Đông An - Cầu Quần và một số tuyến đường liên xã, liên thôn khác.
Huyện đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy thế mạnh về cây quế và bảo vệ rừng tự nhiên, đặc biệt là bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, gắn liền với phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.
Cùng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển vững chắc. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục được ổn định và phát triển. Đến hết năm 2007, toàn huyện đã có 25/27 xã, thị trấn hoàn thành mục tiêu phổ cập trung học cơ sở. Cơ sở vật chất, trường học, phương tiện phục vụ giáo dục được tăng cường, tỷ lệ phòng học xây đạt 97%, hiệu quả của xã hội hoá trong giáo dục được nâng lên.
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được thường xuyên đảm bảo, không để xảy ra các dịch bệnh trên địa bàn, hết năm 2007, toàn huyện có 16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Văn hoá - thông tin, tuyên truyền liên tục có bước phát triển mới, toàn huyện đã có 142 làng văn hoá, 3 xã đăng ký xây dựng xã văn hoá, hết năm 2005, 100% thôn bản có nhà văn hoá; 100% số xã, thị trấn đã có bưu điện văn hoá xã và điện thoại đến trung tâm xã; huyện đã hoàn thành xoá nhà dột nát cho các hộ nghèo vào năm 2004; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 23,26%; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 1,14%.
Trải qua 43 năm xây dựng, từ 25 tổ chức cơ sở Đảng với 673 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện Văn Yên đã phát triển lên 4.420 đảng viên, với 375 chi bộ, thuộc 53 chi, Đảng bộ cơ sở. Công tác xây dựng Đảng thường xuyên được tăng cường và thực sự là một nhiệm vụ then chốt, vì vậy, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở luôn được quan tâm củng cố, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cơ sở Đảng ngày càng được nâng lên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội đã hướng mạnh hoạt động về cơ sở, vì cơ sở, tập trung vận động phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá thông qua các phong trào của từng ngành và sự phối hợp chung do MTTQ chủ trì, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu.
Đồng chí Trần Thế Hùng - Chủ tịch UBND huyện kiểm tra sản phẩm quế vỏ tại xã An Thịnh. |
Qua 43 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ Văn Yên rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo. Đó là:
- Luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái, tranh thủ và phối hợp để có sự giúp đỡ nhiệt tình, thiết thực, có hiệu quả của các ban ngành, đoàn thể của Trung ương, của tỉnh, sự chia xẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau để phát triển của các đơn vị, địa phương trong tỉnh và các đơn vị gần xa để tạo thành sức mạnh tổng hợp đảm bảo thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương.
- Phát huy mạnh mẽ dân chủ cơ sở và sự sáng tạo của quần chúng nhân dân, sáng tạo từ cơ sở, từ mỗi tập thể và cá nhân kết hợp với tư duy năng động của tập thể, lãnh đạo, từng cá nhân trong vai trò lãnh đạo, kịp thời nắm bắt, nhạy bén với những vấn đề mới và chuyển hoá thành tư tưởng, ý chí, sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân để kiên quyết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đặc biệt là việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế mang tính đột phá, tạo ra sức mạnh và động lực để phát triển văn hoá - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
- Kịp thời nắm bắt và thấy rõ yêu cầu của cuộc sống, trong từng giai đoạn cách mạng đặt sự phát triển của Đảng bộ Văn Yên trong mục tiêu phát triển của tỉnh Yên Bái, không xa rời thực tế địa phương để trên cơ sở thực tế có những bước đi vừa táo bạo, vừa vững chắc.
- Nêu cao ý chí cách mạng tiến công, không dừng lại, không thoả mãn với những thành tích đạt được, trong lãnh đạo, trong tổ chức thực hiện phải luôn đặt ra những suy nghĩ mới, yêu cầu mới đáp ứng với sự phát triển để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và truyền thống lao động cần cù của nhân dân các dân tộc trong huyện, triệt để khai thác các tiềm năng, mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá quê hương.
Với hành trang là truyền thống yêu nước của địa phương 2 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên sẽ nêu cao lòng tự hào, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết thống nhất cao, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết, phấn đấu đưa Văn Yên trở thành huyện phát triển của tỉnh Yên Bái vào năm 2010.
Nguyễn Văn Lịch - Bí thư Huyện ủy Văn Yên