Hãy cùng làm việc cật lực để cứu hành tinh

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/4/2008 | 12:00:00 AM

Khí thải công nghiệp là một trong những chủ đề trọng tâm của hội nghị tại Bangkok.

Đó là lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon gửi qua băng hình tới hơn 1.000 đại diện của 190 nước tham dự vòng thảo luận mới về biến đổi khí hậu tại phiên khai mạc ngày 31-3 tại Bangkok (Thái Lan).

Vòng thảo luận mới dự kiến kéo dài trong 5 ngày với mục đích khởi động tiến trình đàm phán nhằm nhất trí về lộ trình cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu trong vòng 10 - 15 năm tới, đồng thời giảm thiểu tình trạng này vào năm 2050 theo điều kiện chính trị và kinh tế của từng nước.

Tuần thương lượng này sẽ xác định các chi tiết của những chương trình trong các hội nghị sắp tới và tập trung vào 4 chủ đề chính: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính; công nghệ sinh thái mới nhất; trợ giúp các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên của khí hậu; thảo luận các chương trình tài chính mới.

Theo Nghị định thư Kyoto (sẽ hết hạn vào năm 2012), 37 nước giàu trên thế giới phải cắt giảm 5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990. Trước đó, ngay cả khi biết rằng nội dung thỏa thuận mới còn nhiều bàn cãi, người ta đều hiểu thỏa thuận mới sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto và sẽ được chính thức ký kết vào tháng 12-2009, tại hội nghị ở Copenhague (Đan Mạch).

Các chuyên gia khí hậu của LHQ mong muốn hiệp định mới sẽ áp đặt sự hạn chế về khí thải đối với tất cả quốc gia, mặc dù hiện vẫn còn những bất đồng trong việc chia sẻ trách nhiệm giữa các nước giàu (do Mỹ đứng đầu) với các nước đang phát triển mạnh, như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, các nước có quyền hy vọng vì trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, tất cả ứng cử viên tổng thống Mỹ đều cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực môi trường so với Tổng thống Bush bây giờ.

(Theo SGGP)