Trung Quốc: 10 tỉnh thay thế xăng dầu bằng nhiên liệu sinh học

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/4/2008 | 12:00:00 AM

Tỉnh Quảng Tây vừa trở thành địa phương thứ 10 ở Trung Quốc thay thế xăng dầu bằng nhiên liệu sinh học, và là địa phương đầu tiên ở Trung Quốc sản xuất nhiên liệu sinh học từ sắn.

350 nghìn ô tô và hơn ba triệu xe máy ở tỉnh
Quảng Tây sẽ chạy bằng nhiên liêụ sinh học.
Trong ảnh: Đường phố ở Nam Ninh,
thủ phủ tỉnh Quảng Tây.
350 nghìn ô tô và hơn ba triệu xe máy ở tỉnh Quảng Tây sẽ chạy bằng nhiên liêụ sinh học. Trong ảnh: Đường phố ở Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

Các trạm xăng ở tất cả 14 thành phố của tỉnh Quảng Tây bắt đầu bán nhiên liệu ethanol sinh học từ ngày 1-4, và nhiên liệu này sẽ thay thế hoàn toàn xăng và dầu diesel trong vòng hai tuần tới.

Bình xăng của 350 nghìn ô tô và hơn ba triệu xe máy trong tỉnh sẽ được làm sạch để chuyển sang dùng nhiên liệu mới.

Quảng Tây là địa phương đầu tiên ở Trung Quốc sản xuất nhiên liệu ethanol sinh học từ sắn thay vì các loại ngũ cốc. Đây là tỉnh có sản lượng sắn đạt 7,8 triệu tấn/năm, chiếm hơn 60% tổng sản lượng của cả nước.

Quảng Tây cũng là nơi có cơ sở chế biến ethanol sinh học từ sắn đầu tiên ở Trung Quốc, đi vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái ở Bắc Hải, một thành phố thuộc miền duyên hải. Mỗi năm, cơ sở này có thể sản xuất 200 nghìn tấn nhiên liệu sinh học từ 1,5 triệu tấn sắn.

Từ năm ngoái, Trung Quốc đã cấm sử dụng ngũ cốc để sản xuất nhiên liệu ethanol nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Kể từ đó, các cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học quay sang khoai lang, cao lương, và rơm rạ.

Trung Quốc cho rằng nhiên liệu ethanol sẽ giúp nước này thoát khỏi tình trạng căng thẳng về nhiên liệu. Trung Quốc phải nhập khẩu 46% xăng dầu, và lượng xăng dầu nhập khẩu tăng ít nhất 12% mỗi năm, lên đến 160 triệu tấn vào năm 2007.

Trung Quốc cũng hy vọng nhiên liệu sinh học sẽ giúp cắt giảm khoảng 30% khí thải CO và 10% khí thải CO2.

Trung Quốc cho biết, đến năm 2010, nước này sẽ sản xuất 30 triệu tấn ethanol, chiếm khoảng ½ tổng số xăng dầu cung cấp ra thị trường.

(Theo NDĐT)