Hàng loạt ngân hàng “phá” trần lãi suất 11%

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/4/2008 | 12:00:00 AM

Đến chiều 18/4, đã có ít nhất 4 ngân hàng (NH) cổ phần đã phá vỡ thỏa thuận trần lãi suất 11%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 16/4/2008, bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) trả lời báo chí là các NH thành viên của VNBA không bỏ trần lãi suất trần huy động 11% đã đồng thuận với nhau.

Bà Hương cũng cho biết thêm NH Cổ phần Sài Gòn (SCB) đã ngưng chương trình huy động 3.000 tỷ đồng với lãi suất 12% năm bằng kỳ phiếu. Bên cạnh đó cũng có không ít thông tin là vẫn chưa có chuyện phá vỡ thỏa thuận trần lãi suất 11% năm.

Nhưng cho đến chiều 18/4, theo điều tra thì đã có ít nhất 4 NH cổ phần phá vỡ đồng thuận trên.

Trái với thông tin từ VNBA và thông báo với báo giới, cho đến cuối giờ chiều 18/4/2008, NH SCB vẫn huy động tiền bằng kỳ phiếu với lãi suất 12%/năm cộng với các khuyến mãi như cũ.

Trả lời chúng tôi, người phụ trách việc bán kỳ phiếu cho biết, “chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản tạm ngưng của sếp nên vẫn bán với lãi suất 12%, anh muốn mua xin mời đến NH”.

Khi bị “chiếu” vì phá vỡ đồng thuận lãi 11%, SCB nại rằng đây là chương trình có trước khi các thành viên VNBA thỏa thuận. Thực chất chương trình này bắt đầu từ ngày 7/4/2008 trong khi đồng thuận có hiệu lực từ 2/4/2008. Sau đó SCB làm ra vẻ như “tuân thủ” khi gửi văn bản cho VNBA thông báo tạm ngưng rồi lại “âm thầm” bán kỳ phiếu theo lãi suất 12%.

Viện làm này không phạm luật và không bị ràng buộc nhưng cách “nói một đàng làm một nẻo” của SCB đang như “dầu đổ vào lửa” cho cuộc chạy đua lãi suất mới có nguy cơ sắp bắt đầu. Tuy nhiên SCB không phải là trường hợp cá biệt.

Bắt đầu từ ngày 17/4, NH Đại dương (Ocean Bank) đã áp dụng lãi suất huy động cho tất cả các kỳ hạn dưới 60 tháng với mức gửi dưới 100 triệu đồng với lãi suất 12%/năm. Những khoản tiền gửi từ 100 triệu trở lên đã vượt cả trần do NHNN quy định là 12%/năm lên tới 12,36%.

NH Bắc Á trả lãi huy động tiền gửi cho kỳ hạn từ 3 tháng trở lên với lãi suất 1%/tháng (12%/năm), với những khoản tiền gửi từ 300 triệu đến 50 tỷ trở lên, NH Bắc Á trả lãi với lãi suất ưu đãi và cao hơn mức trên. NH Miền Tây (Western Bank) cũng đang trả lại 1%/tháng (12%/năm) cho tất cả các kỳ hạn.

Giải thích cho lý do “phá rào”, Tổng GĐ một NH cổ phần cho rằng do nhiều NH khát vốn và lượng tiền huy động sau khi hạ lãi suất bị giảm mạnh. Theo NHNN - Chi nhánh TP HCM, tính đến ngày 16/4/2008, số dư vốn huy động của các NH trên địa bàn giảm 9.225 tỷ đồng so với đầu tháng.

Trong gần 1 tuần qua, do thông tin NH sẽ tăng lãi suất, nhiều khách hàng đã ngưng gửi tiền để chờ lãi suất mới. Tại các NH đang có lãi suất 12%/năm, lượng khách hàng cũng không tăng đột biến do 2 luồng thông tin tăng và không tăng do chính NH đưa ra cùng lúc (như trường hợp SCB).

Ngày 16/4, Tổng thư ký VNBA đã có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc các Ngân hàng Hội viên đề nghị thực hiện nghiêm túc đồng thuận về lãi suất huy động 11%/năm theo thỏa thuận của các Tổ chức hội viên.

Trong văn bản này, VNBA cũng nói rõ ý kiến của Chính phủ về việc “bỏ trần lãi suất” đã bị hiểu sai và kêu gọi các NH vì “sự an toàn của hệ thống ngân hàng, giảm thiểu rủi ro, bảo đảm hoạt động kinh doanh của các ngân hàng có hiệu quả” để không phá vỡ thỏa thuận trên.

Tuy nhiên với việc “xé rào” của các NH trên thì lo ngại về “phát pháo” báo hiệu cho cuộc đua lãi suất mới không phải là quá sớm. Nhiều lãnh đạo NH chúng tôi tiếp xúc đều thừa nhận nếu các NH nhỏ vẫn không thực hiện đồng thuận để tìm mọi cách hút vốn thì họ cũng phải tăng lãi suất để giữ khách hàng và tìm vốn vì sự “tồn tại của chính NH mình”.

Để “giảm nhiệt” và giải cơn khát vốn, nhiều NH không còn cách nào khác là phá vỡ đồng thuận bằng nhiều cách lách. Lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ kéo theo lãi suất vay và đó là mối lo nhất của giới doanh nghiệp, khách hàng cần vốn NH. Cộng với chi phí đang cao, lãi tăng sẽ khiến giá thành sản phẩm, phí dịch vụ tăng theo và ngay cả các NH cũng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong cuộc đua này…

(Theo TPO)