Đề nghị giảm thuế suất từ 28% xuống còn 25%

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - Sáng 7-5, ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XII, QH nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Các ĐBQH trong đoàn TPHCM trao đổi bên hành lang QH.
Các ĐBQH trong đoàn TPHCM trao đổi bên hành lang QH.

Đáng chú ý, trong Tờ trình này, Chính phủ đề nghị QH hạ mức thuế suất chung từ 28% xuống còn 25%, đồng thời với việc cải cách ưu đãi thuế. Theo Bộ trưởng Ninh, điều này khuyến khích tổng thể nền kinh tế, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện tích lũy, tích tụ, thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

“Mặc dù việc giảm thuế suất này có làm giảm thu ngân sách Nhà nước những năm trước mắt, nhưng với chính sách ưu đãi đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh sẽ tạo nên sự tăng trưởng nguồn thu một cách bền vững, ổn định trong tương lai”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Ngoài ra, việc sửa đổi lần này còn bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch trong xác định chi phí được trừ, thu nhập chịu thuế, ưu đãi thuế cùng sẽ khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tính tự giác trong kê khai nộp thuế, thuận lợi trong việc kiểm tra thuế, trên cơ sở đó góp phần hạn chế thất thu ngân sách.

Trong phần trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đã nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật thuế này. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu sửa đổi đặt ra đối với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, Ủy ban tài chính, ngân sách nhận thấy nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục xem xét. “Bởi việc quy định thiếu cụ thể sẽ không đáp ứng được yêu cầu minh bạch, thống nhất trong áp dụng luật, dẫn đến việc hiểu, vận dụng tùy tiện, gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật”, ông Hiển lưu ý.

Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, trong đó có “các khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục theo quy định của pháp luật”, ông Hiển cho rằng, đa số ý kiến tán thành với quy định này, vì giáo dục là lĩnh vực hàng đầu, là quốc sách trong định hướng phát triển của đất nước. Vì vậy, để góp phần động viên các nguồn lực tài chính cho lĩnh vực giáo dục, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp lụât, đề nghị không tính thuế trên các khoản tài trợ cho giáo dục.

Riêng các khoản chi cho người lao động, như tiền trang phục, tiền ăn giữa ca…, dự thảo luật quy định không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Theo ông Hiển, một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Vì nếu khoản chi cho người lao động không được trừ khi tính chi phí thì sẽ không động viên doanh nghiệp quan tâm đến đời sống của người lao động. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động chăm lo đời sống cho người người lao động, đề nghị bỏ quy định về khống chế mức tiền ăn giữa ca.

Cũng tại phiên họp sáng 7/5, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dầu khí. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dầu khí.

Chiều 7/5, các đoàn ĐBQH thảo luận ở tổ về hai dự án Luật trên.

(Theo NLĐ)