Nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nghiêm những sai phạm trong thu, chi ngân sách nhà nước

  • Cập nhật: Chủ nhật, 11/5/2008 | 12:00:00 AM

Ngày 10-5, kỳ họp thứ ba, QH khóa XII vào ngày làm việc thứ năm. Buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2006.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều cơ bản nhất trí với Báo cáo quyết toán NSNN năm 2006 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH.  Ðối với những vấn đề cụ thể  của Báo cáo quyết toán, nhiều đại biểu thẳng thắn góp ý kiến nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác quyết toán NSNN.

Ðại biểu Bùi Quang Bền (Kiên Giang) khẳng định: Công tác quản lý thu, chi trong thời gian qua chưa chặt chẽ, thậm chí một số nơi còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho NSNN nhưng chưa được xử lý nghiêm khắc, kịp thời. Vì vậy, cần có sự kiểm tra, thanh tra cụ thể, chấn chỉnh thu chi để nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) đề nghị cần tăng cường thu thuế xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, than đá... để đóng góp vào NSNN.

Hiện nay, nguồn ngân sách đầu tư cho việc trồng rừng còn thấp, trong khi tiềm năng của công tác trồng rừng ở nước ta rất lớn và có thể đem lại nguồn lợi nhuận cao. Kinh phí dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học(NCKH) hiện nay còn ít, trong đó, nguồn dành quản lý phí chưa thỏa đáng, nên dẫn đến một số hiện tượng không minh bạch trong quản lý phí đối với nhiều đề tài khoa học các cấp.
 
Ðại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng, hằng năm Quốc hội họp để xem xét về ngân sách, quyết toán ngân sách, nhưng các cuộc họp còn mang nặng tính hình thức. Một trong những nguyên nhân chính là do các đại biểu QH quan tâm nhiều tới dự toán mà không dành thời gian cho việc xem xét, phân tích các số liệu của quyết toán NSNN.
 
Trong thời gian tới, QH và các đại biểu QH cần quan tâm nhiều hơn nữa việc quyết toán NSNN bởi qua đây có thể nhìn nhận toàn diện quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tài chính của đất nước. Ðặc biệt, cần kiểm tra, thanh tra các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh ô-tô... Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh).
 
Ðại biểu này đề nghị Bộ Tài chính cần làm rõ có hay không hiện tượng "lỗ giả, lãi thật" của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến tình trạng thất thu cho NSNN.

Việc chi NSNN cho các hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN), giáo dục, đào tạo được nhiều đại biểu quan tâm, do việc chi ngân sách của một số bộ chức năng trong năm 2006 không đạt chỉ tiêu đề ra. Ðại biểu Lê Thị Dung (An Giang) băn khoăn: Kết quả chi thấp, không đạt chỉ tiêu đề ra trong một số lĩnh vực quan trọng của các bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Ðào tạo là do sử dụng, quản lý ngân sách kém hay dự toán không hợp lý, không xuất phát từ nhu cầu thực tế?

Ðại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) cho rằng, công tác quản lý kinh phí, quản lý NSNN của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo chưa hợp lý và chưa hiệu quả. Một số khoản chi thường xuyên, chi cho quản lý hành chính còn cao, vượt nhiều lần so với dự toán. Cần được xem xét và điều chỉnh.

Ðại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) khẳng định: Nước ta dành 2% NSNN cho phát triển khoa học- công nghệ là ít so với các nước trong khu vực, vậy mà chi không hết là vấn đề bất cập, cần được quan tâm giải quyết triệt để.

Ðại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) đề nghị cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo chi NSNN cho những chương trình quan trọng thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra, có phải do dự toán quá cao, bộ máy cồng kềnh hay năng lực quản lý thấp...

Ðại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) cho rằng: Ðầu tư kinh phí cho các hoạt động phát triển khoa học- công nghệ ở một số tỉnh, thành phố chưa được quan tâm thỏa đáng, một phần do lãnh đạo địa phương chưa coi trọng vai trò của khoa học- công nghệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, không tạo động lực cho sự phát triển của khoa học - công nghệ.

Nhiều đại biểu QH bày tỏ bức xúc về vấn đề chi, thu NSNN sai nguyên tắc, công tác thu hồi, xử lý vấn đề chưa được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt.

Ðại biểu Trịnh Thị Giới (Thanh Hóa) đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong việc chậm xử lý các vi phạm trong quản lý NSNN. Hiện nay, đang có thực trạng việc xử lý tại các địa phương có tiến triển tốt hơn việc xử lý sai phạm của các bộ, ngành,... Chính phủ cần giải trình và xem xét vấn đề này cụ thể hơn.

Ðại biểu Phan Ðức Hưởng (Vĩnh Long) nhấn mạnh: Việc nợ đọng thuế cần được làm rõ để có cơ chế xử lý; việc chi sai NSNN nhất thiết phải được xử lý và thu hồi chứ không nên đưa vào quyết toán vì như vậy là chấp nhận sai phạm.

Một số ý kiến đề nghị, các khoản ngân sách được chuyển từ năm trước sang năm sau nên dành tăng cường cho công tác an sinh xã hội. Từ vấn đề nợ đọng thuế, các cơ quan chức năng cần xem xét lại những chính sách ưu đãi hiện nay đang dành cho các doanh nghiệp. Cần làm rõ các doanh nghiệp được ưu đãi có đóng góp thiết thực cho NSNN hay không? Ðồng thời, làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Công thương trong vấn đề thất thu, nợ đọng thuế. Dự toán ngân sách ở không ít nơi chưa hợp lý dẫn đến việc phải chuyển nguồn thường xuyên và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả.

* Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. Ở những tổ phóng viên Báo Nhân Dân dự, nhận thấy, hầu hết các ý kiến phát biểu đều nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật này và những nội dung cơ bản của dự thảo luật. Nhưng đi vào từng vấn đề cụ thể, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau.

Vấn đề thứ nhất thu hút sự quan tâm, thảo luận của nhiều đại biểu là nên coi người nghiện ma túy là người bệnh hay tội phạm. Ðại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) tán thành nhiều quy định của dự thảo luật, như việc quản lý sau cai nghiện đưa vào luật là cần thiết; các biện pháp cai nghiện quy định tại Ðiều 26 là phù hợp thực tế. Tuy nhiên, đại biểu này lại không tán thành  với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH trong báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên khi cho rằng, nghiện ma túy là một loại bệnh.

Ðại biểu Trần Bá Thiều lập luận, không nên coi người nghiện là người bệnh. Còn nếu coi người nghiện như một đối tượng xã hội cần được quan tâm và được đối xử nhân đạo, nhân văn thì chấp nhận được. Do vậy, đại biểu này cũng không tán thành với đề nghị bỏ Ðiều 199 của Bộ luật Hình sự (quy định về tội sử dụng ma túy), vì nếu bỏ điều luật này thì số người nghiện sẽ tăng theo cấp số nhân.

Các đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn), Phan Trọng Khánh, Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cũng có quan điểm giống đại biểu Trần Bá Thiều. Các đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) và một số đại biểu khác tán thành dự thảo ở Ðiều 26b quy định hai hình thức cai nghiện: tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và bắt buộc, nhưng đề nghị cần xác định rõ đối tượng nào thuộc diện cai nghiện tự nguyện, đối tượng nào phải cai nghiện bắt buộc.

Theo đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội ), thì việc coi người nghiện là người bệnh là hợp lý và đã là người bệnh thì cần được chữa trị. Ðại biểu này không tán thành một số ý kiến cho rằng, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không có hiệu quả. Vì trước đây, hình thức cai nghiện này chưa được quy định trong luật. Bây giờ đưa vào quy định trong luật, chắc chắn có hiệu quả hơn.

Cũng bàn về các hình thức cai nghiện, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) đề nghị xác định rõ tiêu chí đối tượng nào cai tại gia đình, cộng đồng; đối tượng nào phải cai bắt buộc.

Một vấn đề khác cũng thu hút nhiều đại biểu cho ý kiến là thời hạn cai nghiện. Hầu hết các ý kiến phát biểu cho rằng với thời hạn cai tự nguyện tại gia đình từ 6 đến 12 tháng là quá ngắn, cần được nới rộng ra. Thời hạn cai bắt buộc cũng cần tính đến việc hết thời hạn quy định mà vẫn chưa cai được thì có gia hạn hay không.

Một số ý kiến cho rằng, cái khó nhất hiện nay là chuyện quản lý sau cai và đề nghị nên nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để sửa đổi luật này một cách toàn diện. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc thực hiện cai nghiện (quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể).

(Theo NDĐT)