6 nhóm CBCC Nhà nước được đào tạo bằng ngân sách

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - Theo Thông tư số 51/2008/TT-BTC do Bộ Tài chính vừa ban hành, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC) nhà nước được sử dụng để đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếng dân tộc... cho 6 nhóm đối tượng CBCC Nhà nước.

Đó là các nhóm: CBCC hành chính, CC dự bị, hợp đồng lao động không xác định thời hạn đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập; đại biểu HĐND các cấp; CBCC xã, phường, thị trấn; cán bộ không chuyên trách cấp xã; cán bộ thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc ở xã và tổ dân phố ở phường, thị trấn; luật sư, cán bộ quản lý doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.

Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC để chi cho bộ máy quản lý công tác đào tạo của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC.

Tùy theo khả năng bố trí kinh phí và nhu cầu đào tạo CBCC của đơn vị mình, các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể sử dụng nguồn kinh phí này để hỗ trợ một phần chi phí cho các đối tượng CBCC nhà nước được cấp có thẩm quyền cử đi học đại học, sau đại học, nhưng tối đa không quá 10% tổng kinh phí đào tạo được giao.

Về mức chi thù lao giảng viên trong nước cho 1 buổi giảng 4 tiết, tùy theo đối tượng, trình độ học viên mà các cơ sở đào tạo bố trí mời giảng viên, báo cáo viên từng cấp cho phù hợp. Theo đó, mức chi cao nhất không quá 500.000 đồng/buổi.

Tuỳ theo mức độ cần thiết, các cơ quan đơn vị trình cấp có thẩm quyền quyết định việc mời giảng viên nước ngoài. Mức thù lao đối với giảng viên nước ngoài do cơ quan, đơn vị thoả thuận với giảng viên, bảo đảm phù hợp với khả năng kinh phí của cơ quan, đơn vị…

(Theo HNMĐT)