Phong trào thanh niên - học sinh báo ở thị xã Yên Bái những năm 1930 - 1931

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cuối năm 1929, đầu năm 1930, phong trào yêu nước trong thanh niên và học sinh ở thị xã Yên Bái được nhen nhóm và hoạt động khá sôi nổi.

Đứng đầu tổ chức này là anh Đỗ Văn Đức, em trai ông Đỗ Văn Sự ở thị xã Yên Bái. Từ quê hương Sơn Tây, cuối năm 1929, anh Đỗ Văn Đức (tức Hai Đức, tức Dục – Bí danh là Bạch Vân) lên Yên Bái mở hiệu cắt tóc ở phố Yên Thái để che mắt địch và từ đó tuyên truyền gây cơ sở cách mạng trong lớp thanh niên nghèo và học sinh trường Tiểu học Pháp – Việt ở thị xã Yên Bái. Trợ thủ đắc lực của anh Đỗ Văn Đức là anh Phạm Lợi – một học sinh thanh niên yêu nước của Trường Tiểu học Pháp – Việt. Đối tượng vận động tuyên truyền chủ yếu là thanh niên nghèo và học sinh ở thị xã. Ban đầu, các anh thành lập từng tổ ba người và hướng dẫn họ hoạt động bí mật trong "Thanh niên đoàn", dưới danh nghĩa "Học sinh đoàn". Các anh chọn địa điểm sinh hoạt ở Gò Chùa (nay là Trạm Thông tin tín hiệu đường sắt phía Nam ga Yên Bái) và chùa Bách Lẫm (nay thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái) mỗi tháng sinh hoạt 1 kỳ. Từ tháng 3/1930, tổ chức thanh niên và học sinh này bắt đầu sinh hoạt tập trung với các nội dung: đọc các tài liệu sách báo có tư tưởng cách mạng như: Tập thơ "Chiêu hồn nước" của Phạm Tất Đắc, "Bầu tâm sự" của Trần Huy Liệu, "Hải ngoại huyết thư" của cụ Phan Bội Châu; các báo có xu hướng tiến bộ như tờ: "Tiếng dân" của cụ nghè Huỳnh Thúc Kháng ở Huế, báo "Phụ nữ tân văn", "Đuốc nhà Nam" phát hành ở Sài Gòn... Nghe anh Đỗ Văn Đức kể chuyện về Lênin, chuyện về đời sống công nhân lao động ở Nga – Xô Viết...

Để tránh tụ tập đông người gây nên sự chú ý của mật thám Pháp, tổ chức Thanh niên, học sinh đoàn đã phát hành tờ "Học sinh báo" khổ nhỏ, in thạch làm tài liệu tuyên truyền, học tập cho các nhóm. Ban biên tập do anh Phạm Lợi phụ trách. Tờ "Học sinh báo" được xác định mỗi tháng 1 kỳ với nội dung thức tỉnh lòng yêu nước trong học sinh. Số đầu tiên ra ngày 1/3/1930 có bài thơ mừng "Học sinh báo" ra đời. Trong đó có đoạn:

...Anh em hỡi! chuyên cần học tập

Theo người xưa cho kịp mới ngoan

Noi gương Hưng Đạo, Ngô Quyền

Noi gương Lê Lợi, Trưng Vương mới tài

Học để cho nước ngoài họ biết

Rằng dân ta không phải ngu hèn

Dân ta nhất định có phen

Treo cờ liềm búa, thái bình từ đây...

Tiếp đó, "Học sinh báo" ra số 2 vào tháng 4/1930. Số 3 vào tháng 5/1930. Tuy nhiên, từ số 3, do sơ xuất khi phát hành nên tờ "Học sinh báo" bị mật thám Pháp phát hiện, tịch thu nộp Sở Cẩm. Đối tượng học sinh, thanh niên bị mật thám đưa vào diện tình nghi làm cộng sản để theo dõi. Vì vậy sau 3 số, "Học sinh báo" phải đình bản. Kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1931, nhằm cổ vũ, khích lệ tinh thần yêu nước trong nhân dân thị xã Yên Bái, đêm 30/4/1931, tổ chức Thanh niên đoàn đã treo cờ đỏ búa liềm trên cây nhội ở cổng trường Tiểu học Pháp – Việt (Nay là khu vực trường Hồng Thái, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái) đồng thời rải truyền đơn ở khu Trường Tiểu học Pháp – Việt và 3 địa điểm đông dân cư khác trên địa bàn thị xã Yên Bái. Truyền đơn in thạch trên giấy dó có nội dung kêu gọi dân nghèo thành thị, thợ thuyền, dân cày... đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp dành tự do, độc lập cho Tổ quốc. Người treo cờ và rải truyền đơn đêm 30/4/1931 là anh Đỗ Văn Cầu, em trai anh Đỗ Văn Đức thuộc lớp thanh niên nghèo không đủ điều kiện đi học nhưng tích cực hoạt động trong "Thanh niên đoàn". Vụ treo cờ và rải truyền đơn này đã gây tiếng vang lớn trong các tầng lớp nhân dân thị xã Yên Bái và làm cho bọn Pháp ở Yên Bái hoảng sợ.

Chúng phải xin Sở Liêm phóng Bắc kỳ phái tên mật thám cáo già Ác-ma-nê cầm đầu một bọn mật vụ lên Yên Bái để lùng sục những người hoạt động cách mạng. Sau vụ này, mật thám Pháp càng ráo riết theo dõi số học sinh thanh niên trong trường và dần dần chúng phát giác và lần lượt bắt giữ 17 thanh niên và học sinh hoạt động trong tổ chức "Thanh niên đoàn". Anh Đỗ Văn Đức, người đứng đầu tổ chức cũng bị bắt. Ngày 13/6/1931, Tòa án thực dân Pháp ở Yên Bái đã xử 17 anh chị em trong tổ chức thanh niên và học sinh đều bị kết án từ 2 đến 5 năm tù vì tội "tham gia hội kín, rải truyền đơn và treo cờ cộng sản". Tất cả mọi người chống án, bọn Pháp đưa tất cả về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội.

Tòa phúc thẩm đã tuyên: y án 5 năm tù đối với các anh: Đỗ Văn Đức, Phạm Lợi, Ngô Cửu; y án 4 năm tù đối với các anh: Dương Huy Hùng, Đỗ Văn Cầu, Nguyễn Hiền Minh; giảm xuống 12 tháng tù đối với anh Cao Văn Phú, 6 tháng tù đối với anh Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Hữu Hiền, Nguyễn Văn Ba, 3 tháng tù đối với chị Trần Thị Gái. Còn lại các anh: Lê Văn Viên, Đỗ Trọng Thi, Dương Văn Lan, Đinh Phú Sấn, Mai Xuân Khôi, Hoàng Huy Mộc bị án treo 5 năm quản thúc và phải chịu án phí. Trừ những người được hưởng án treo, số còn lại bị thực dân Pháp đưa đi tù giam. Anh Đỗ Văn Đức đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Sơn La. (Sau cách mạng tháng 8/1945 và hòa bình lập lại năm 1954 đồng chí Phạm Lợi được phân công phụ trách Nhà in Báo Nhân dân ở Hà Nội, đồng chí Đỗ Trọng Thi làm Giám đốc Thư viện Quốc gia).

Trong thời gian từ 1931 đến 1935, tổ chức thanh niên và học sinh ở Yên Bái bị khủng bố rất gắt gao nên phong trào tạm lắng xuống nhưng tinh thần dũng cảm và hành động cách mạng của lớp thanh niên học sinh nêu trên đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, chí căm thù giặc của nhân dân các dân tộc Yên Bái, để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của cán bộ và nhân dân thị xã Yên Bái trước đây và thành phố Yên Bái ngày nay.

Tùng Lâm