Tú Lệ: Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động lớn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cũng như các địa phương khác của huyện Văn Chấn (Yên Bái), ngay sau khi nhận được kế hoạch triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng uỷ xã Tú Lệ đã xây dựng chương trình hành động cụ thể.

Cốm nếp tan - đặc sản của đồng bào Thái Tú Lệ.
Cốm nếp tan - đặc sản của đồng bào Thái Tú Lệ.

Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xã được thành lập và xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt đến từng chi bộ, thôn bản. Đồng thời, xã giao trách nhiệm cho từng bí thư chi bộ trong việc lãnh đạo thực hiện nếp sống văn minh, kiên quyết bài trừ các tệ nạn xã hội ra khỏi địa bàn thôn, xóm đến việc chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc vận động, ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 21 đồng chí là trưởng các ban, ngành, MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, trực tiếp là đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động. Kết quả thực hiện cuộc vận động được đánh giá dựa trên chỉ tiêu thi đua của từng thôn, bản, mục tiêu hoàn thành kế hoạch xây dựng thôn văn hoá, làng bản không có người mắc tệ nạn ma tuý...

Việc triển khai nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân, thực sự đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Sự chuyển biến lớn nhất là tình trạng ma tuý đã giảm hẳn, từ một xã được đánh giá là phức tạp nhất về các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, thì nay các tệ nạn đã hạn chế nhiều. Không chỉ có vậy, hiệu quả của cuộc vận động đã làm thay đổi tư duy, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, dần xóa bỏ thói quen đến muộn, làm việc còn mang nặng các thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân. Thông qua cuộc vận động, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.

Xã đã xây dựng được cánh đồng chuyên canh đặc sản nếp Tan với tổng diện tích 155 ha. Một xã trong không ít năm qua luôn cấp gạo cho hộ đói giáp hạt thì nay xã đã chủ động được lương thực, giải quyết dứt điểm không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 62%. Từ xã với 100% người dân làm nông nghiệp, đến nay đã có một số hộ chuyển sang kinh doanh dịch vụ. Con số tuy khiêm tốn, nhưng đóng góp từ thương mại - dịch vụ cho ngân sách địa phương một khoản không nhỏ. Hơn nữa, việc đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ - thương mại đã tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hoá, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu gần 5 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND xã khoá 18 đề ra.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lự Văn Xuân – Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã, để cuộc vận động chuyển biến thành hành động cụ thể thì Tú Lệ vẫn phải nỗ lực hơn nữa trong công tác giảm nghèo một cách bền vững. Bởi đến nay, Tú Lệ vẫn là một trong những xã khó khăn của huyện Văn Chấn. Thêm vào đó, do trình độ dân trí hạn chế, không đồng đều nên việc triển khai các chương trình, dự án còn chậm, chưa phát huy hiệu quả.

Nhiều hạng mục công trình của Nhà nước đầu tư vào xã với mục tiêu cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, song việc giữ gìn bảo vệ và đầu tư sửa chữa chưa được thường xuyên. Người dân thiếu thông tin kiến thức khoa học - kỹ thuật nên các cây trồng, vật nuôi chưa đạt hiệu quả cao, xã chưa hình thành được vùng chuyên canh sản xuất để trở thành hàng hoá. Hơn nữa, với một địa bàn phức tạp như Tú Lệ, nơi giao thương hàng hoá giữa các vùng, miền nên việc đô thị hoá đang là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống người dân, kéo theo đó, tình trạng ma tuý, mại dâm sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh, trật tự trên địa bàn xã...

Giải quyết tốt vấn đề đó, Tú Lệ sẽ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh thực hiện tốt cuộc vận động lớn trong năm 2008 và những năm tiếp theo.

Thanh Tân