Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải công khai, minh bạch các chế độ chính sách

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - Ngày 8.7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên họp thứ 10 nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2009 và chỉ đạo nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban chỉ đạo; Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng ban chỉ đạo đồng chủ trì phiên họp.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận của các thành viên Ban chỉ đạo, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2009 đã có chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin trong toàn Đảng và nhân dân ta về quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đấu tranh loại trừ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước.

Ghi nhận những kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng ở lĩnh vực kê khai tài sản, quản lý đất đai hiệu quả còn thấp. Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng còn kéo dài. Quy chế giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đến tham nhũng chưa rõ ràng, dẫn đến chồng chéo.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị xảy ra tham nhũng còn hạn chế... Để làm tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các cấp, bộ, ngành trung ương và địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, bám sát nguyên tắc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng phải được tiến hành quyết liệt, triệt để và đồng bộ, không được bằng lòng với kết quả đạt được.

Thủ tướng chỉ rõ: Một giải pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng là việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các chế độ, thủ tục, chính sách sẽ thu hẹp môi trường của tội phạm tham nhũng. Trong đó phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cải cách thủ tục hành chính, quản lý đất đai, ngân sách sao cho công khai, minh bạch và phải có sự giám sát của quần chúng, của nhân dân; cần làm tốt công tác giám sát của nhân dân, các tổ chức đoàn thể trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Việc giải quyết đơn thư tố cáo cần thận trọng, khách quan, không làm oan sai cũng không bỏ sót tội phạm; đặc biệt phòng ngừa chính những người được giao nhiệm vụ chống tiêu cực mà lại có những hành động tiêu cực.

Việc chỉ đạo xử lý 8 vụ án tham nhũng trọng điểm đã cơ bản kết thúc (trong đó 7 vụ đã được xét xử phúc thẩm và 1 vụ xét xử sơ thẩm). Hiện còn tồn tại một số nội dung cần giải quyết dứt điểm là: mảng kinh tế trong vụ PMU 18, Cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang phối hợp để làm rõ một số vấn đề của vụ án theo yêu cầu của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; mảng tội danh tham ô trong Dự án cầu Bãi Cháy; việc xử lý tài sản của Nguyễn Đức Chi ở tỉnh Khánh Hòa trong vụ án Nguyễn Đức Chi. Đối với 17 vụ án khác mà Ban chỉ đạo đang theo dõi, chỉ đạo đã có 3 vụ được đưa ra xét xử, 10 vụ đã kết thúc điều tra và đang điều tra bổ sung; 4 vụ đang được tiếp tục điều tra và mở rộng điều tra.

(Theo TNO)