Ngày mai 1-6, tiêm chủng mở rộng vaccine “5 trong 1” cho trẻ : An toàn hơn

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/5/2010 | 1:59:20 PM

Kể từ ngày mai 1-6, vaccine “5 trong 1” còn gọi là DPT-VGB-Hip, phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib sẽ được Chương trình tiêm chủng mở rộng đưa vào tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi cả nước.

Xung quanh vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết:

Loại vaccine tổng hợp “5 trong 1” này đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) viện trợ không hoàn lại và chỉ sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt, vaccine này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng từ tháng 9-2006 và đến nay đã được sử dụng rộng rãi ở 34 nước.

Hơn nữa, WHO cũng khuyến cáo các quốc gia đưa loại vaccine “5 trong 1” này vào tiêm chủng mở rộng nhằm thực hiện được các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

- Phóng viên: Việc đưa vaccine “5 trong 1” vào sử dụng, liệu độ an toàn sau tiêm chủng có tăng lên?

PGS-TS NGUYỄN TRẦN HIỂN: Phải khẳng định đây là một loại vaccine có tính an toàn cao. Điều này được thể hiện qua số mũi tiêm, lần tiêm cho trẻ sẽ giảm, đồng nghĩa với việc giảm các nguy cơ phản ứng, tai biến sau tiêm phòng. Nếu trước đây để phòng ngừa 5 bệnh trên, trẻ nhỏ phải chịu nhiều lần tiêm vaccine phòng bệnh thì nay với loại vaccine mới này, trẻ chỉ cần tiêm 1 mũi/lần duy nhất mà hiệu quả bảo vệ cũng tương tự như tiêm từng mũi.

Hơn nữa, trên thế giới đã có hơn 73,5 triệu liều vaccine “5 trong 1” được cung cấp và sử dụng. Qua các mũi tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng được ghi nhận. Phản ứng thường gặp là phản ứng tại chỗ tiêm phòng như: sưng, ngứa, tấy đỏ và khoảng 10% có sốt 380C.

- Ngoài tính an toàn thì hiệu quả phòng bệnh của loại vaccine này qua thực tế được đánh giá như thế nào, thưa ông?

Vaccine này có giá trị phòng ngừa hiệu quả 5 loại bệnh như đã nêu ở trên. Đáng chú ý, riêng với bệnh do Hib (vi khuẩn Haemophilus influenza tuýp B) gây ra, các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ được tiêm vaccine này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tới trên 90%. Ở những nước đã đưa loại vaccine này sử dụng, trong một vài năm, tỷ lệ mắc bệnh do Hib giảm đi đáng kể. Chẳng hạn như tại Kenya, tỷ lệ mắc viêm màng não do Hib ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm hơn 10 lần, hay tại Malawi, tỷ lệ mắc viêm màng não do Hib giảm từ 20-40/100.000 trẻ dưới 5 tuổi xuống gần bằng 0.

Trong khi đó, tại nước ta, qua nghiên cứu cho thấy, hàng năm số mắc viêm màng não do Hib khoảng 12/100.000 trẻ dưới 5 tuổi, với tỷ lệ tử vong 4% và tỷ lệ di chứng khoảng 10% như: tổn thương não, thần kinh vĩnh viễn, điếc, rối loạn tâm thần. Còn WHO ước tính, Hib gây ra 625 trường hợp viêm màng não và 107.565 trường hợp viêm phổi nặng hàng năm ở Việt Nam. Số ca tử vong hàng năm do Hib gây ra khoảng 890 trường hợp, trong đó có 683 ca do viêm phổi nặng.

- Ngoài hiệu quả trên thì loại vaccine mới này có chống chỉ định với trường hợp nào?

WHO khuyến cáo, khi sử dụng loại vaccine trên cần lưu ý, không tiêm cho trẻ nếu có phản ứng nặng đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng nặng đối với vaccine phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván hoặc viêm gan B. Tạm dừng tiêm cho trẻ nếu trẻ đang sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính. Không tiêm vaccine này cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần vì sẽ không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ. Trẻ lớn trên 5 tuổi và người lớn cũng sẽ không tiêm vì sẽ tăng phản ứng sau tiêm.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo SGGP)