Yên Bình: Dân được nhờ Chương trình 135

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/6/2010 | 9:41:32 AM

YBĐT - Huyện Yên Bình (Yên Bái) có 6 xã và 28 thôn được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ. Ngay khi chương trình được triển khai, huyện đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện và ban giám sát tại các xã hoạt động theo phương châm dân chủ công khai. Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nghèo tại vùng đặc biệt khó khăn.

Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai tại huyện Yên Bình đầu tư vào phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng xã, thôn, bản; hỗ trợ dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng; các tuyến đường giao thông được làm mới, khôi phục và sửa chữa; kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi; đầu tư điện lưới; phát triển mạng lưới thông tin, bưu điện, trường học, trạm y tế xã, chợ trung tâm xã, công trình nước sạch từng bước cải thiện đời sống của nhân dân. Công tác định canh định cư giúp đồng bào dân tộc thiểu số xoá bỏ tập quán du canh du cư, thay đổi hình thức canh tác lạc hậu trong sản xuất, tập trung phát triển sản xuất nông – lâm kết hợp, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương. Người dân được hỗ trợ cây, con giống và trực tiếp tham gia vào các mô hình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Không chỉ hỗ trợ sản xuất mà đời sống xã hội của người dân vùng khó khăn cũng từng bước phát triển, trình độ dân trí được nâng lên, tập quán thay đổi đã xây dựng những quy ước trong thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh. Người dân đã tiếp cận được những kiến thức mới về tổ chức đời sống, kế hoạch hoá gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng bản, làng nông thôn mới. Nhờ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đồng bào các dân tộc đã xoá bỏ tập tục chữa bệnh lạc hậu bằng cúng bái, mê tín dị đoan. Trẻ em trong vùng đặc biệt khó khăn được cấp phát sách vở, đồ dùng học tập, khuyến khích các em đến trường, xoá nạn mù chữ, góp phần hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Có thể nói, người nghèo đã được Nhà nước quan tâm về mọi mặt từ phát triển sản xuất tới chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và đời sống văn hoá.

Các dự án thuộc Chương trình 135 trên địa bàn huyện Yên Bình đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của nhân dân các xã vùng đặc biệt khó khăn trong việc phát triển kinh tế và ổn định đời sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo. Trước khi thực hiện Chương trình, các xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 35,7%, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,19%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hơn 3 năm triển khai, huyện cũng gặp không ít những khó khăn do địa bàn huyện rộng, lại bị chia cắt bởi hồ Thác Bà, giao thông đi lại khó khăn; các xã đặc biệt khó khăn xa trung tâm huyện ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo; trình độ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu sự biến động của giá cả thị trường ảnh hưởng tới tiến độ thi công nhiều công trình.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình 135 trong những năm tiếp theo, huyện Yên Bình cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tránh tình trạng thất thoát vốn, rà soát những nhu cầu cần được hỗ trợ đúng và sát với thực tế của từng địa phương; tránh tình trạng chồng chéo cùng lúc nhiều chương trình, gây lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cơ sở làm công tác quản lý, giám sát công trình tại các xã...

Hồng Khanh