Khe Bún 15 năm không có người sinh con thứ 3

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/7/2010 | 3:22:48 PM

YBĐT - Thôn Khe Bún, xã Ngòi A , huyện Văn Yên (Yên Bái) là thôn tập trung khá đông đồng bào Dao và Tày, cũng là thôn có số gia đình công giáo cư trú nhiều nhất xã. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”, người dân thôn Khe Bún đã từng bước thực hiện thành công công tác DS/KHHGĐ - 15 năm liền không có người sinh con thứ 3.

Cán bộ chuyên trách dân số xã Ngòi A và cộng tác viên dân số thôn Khe Bún tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại đến người dân.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Ngòi A và cộng tác viên dân số thôn Khe Bún tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại đến người dân.

“Nếu như ở đâu khó khăn trong việc vận động các ông chồng thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, hay những chuyện tưởng chừng không thể như trong các buổi sinh hoạt của chị em mà có mặt đông đủ các ông chồng  tham gia đến như thế thì cứ đến Khe Bún, tôi đảm bảo sẽ tìm ra câu trả lời". Khuôn mặt tươi rói, chị Hà Thị Phương, cán bộ chuyên trách dân số xã Ngòi A kể giọng đầy hài hước khi nói với chúng tôi về việc thực hiện DS/KHHGĐ của người dân thôn Khe Bún. Chẳng thế mà ở đây khi các cuộc họp dân số diễn ra thì những nam giới lại là người phát biểu rôm rả hơn cả: nào thì không nên triệt sản, không nên sử dụng đặt vòng mà nên dùng thuốc hoặc bao cao su… vừa tiện lại rất hiệu quả.

Chị Hoàng Thị Hảo, cộng tác viên dân số của thôn cho biết: “Chúng tôi mà chậm trễ phát các phương tiện tránh thai là y như rằng chỉ buổi tối, hoặc hôm sau là có người đến yêu cầu. Đúng là khi người dân đã hiểu thì việc gì cũng xong”.

Khe Bún có 32 hộ, 123 nhân khẩu. Tuy đời sống của bà con cũng nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu cũng ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình tuyên truyền, vận động thực hiện công tác DS/KHHGĐ, song vượt lên những trở ngại đó, Khe Bún đã và đang trở thành thôn điển hình để các địa phương trong xã và huyện học tập kinh nghiệm.

Vẫn theo lời chị Hảo: "Trước đây, công tác tuyên truyền và tiếp cận các đối tượng có nguy cơ sinh đẻ cao rất khó khăn. Ví như gia đình anh Hoàng Văn Nhờ đã sinh 2 con gái và có ý định sinh thêm, chúng tôi phải  đến tận nhà chia xẻ, vận động. Ban đầu anh chị phản đối và có những lời lẽ không hay. Lúc đó chúng tôi cũng nản lắm! Hơn 10 ngày kiên trì đi đi, về vận động, thuyết phục bằng đủ cách, nào phân tích, so sánh rồi dẫn chứng bằng những hoàn cảnh gia đình tiêu biểu về đông con nghèo khó, tiêu biểu về ít con làm kinh tế giỏi... có thật trong thôn, trong huyện, cuối cùng thì vợ chồng anh Nhờ và không ít cặp vợ chồng khác trong thôn đã nghe ra. "Mưa dầm thấm lâu” mà! Ban đầu họ chỉ cười cho qua chuyện, nhưng nhiều lần kể, nghe nhiều lần nhiều chuyện, cách tuyên truyền này đã thuyết phục được đối tượng. Đến hôm nay, những cách tuyên truyền và tiếp cận đối tượng theo kiểu này đã được chúng tôi coi là bài học kinh nghiệm để có được thành công". -  Chị Hảo chia sẻ.

15 năm không có người sinh con thứ 3, điển hình về phát triển kinh tế và là thôn tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của xã Ngòi A là thực tế sinh động và đầy sức thuyết phục về lợi ích của công tác DS/KHHGĐ mà người dân Khe Bún đã nỗ lực thực hiện và duy trì trong nhiều năm qua.

Trần Ngọc